Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và một số đơn vị khác. Cơ quan điều tra cáo buộc bà Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB.
Báo cáo Kết luận điều tra ghi nhận, tại thời điểm khởi tố vụ án ngày 17/10/2022, số tiền khách hàng gửi tại Ngân hàng SCB đang là 511.262 tỷ đồng theo số liệu trên sổ sách.
Cơ quan điều tra cáo buộc bà Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của Ngân hàng SCB - Ảnh: Internet |
Cụ thể, tổng số tiền Ngân hàng SCB huy động từ người dân và vay các tổ chức khác là 673.586 tỷ đồng. Trong đó, có 511.262 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng; 76.845 tỷ đồng phát hành giấy tờ có giá; 66.060 tỷ đồng vay Ngân hàng Nhà nước; 12.693 tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức khác và 6.756 tỷ đồng vay từ các tổ chức tín dụng khác.
Sau khi bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm bị khởi tố, bắt tạm giam, nhiều người dân nhất là các khách hàng của Ngân hàng SCB bày tỏ sự lo lắng đối với khoản tiền gửi trong ngân hàng này.
Trả lời về vấn đề này, luật sư Lê Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lavi, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng là một dạng hợp đồng có thời hạn hoặc không có thời hạn. Do đó, theo thỏa thuận thì đối với khoản tiền gửi đến kỳ hạn, người gửi sẽ được rút cả gốc lẫn lãi khi đến hạn. Còn đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn thì người gửi có thể rút bất cứ khi nào. Ngân hàng là một tổ chức tín dụng đồng thời cũng là môt pháp nhân kinh doanh. Tiền gửi của khách hàng được coi là nguồn vốn kinh doanh.
Luật sư Lê Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lavi - Ảnh: Nguyễn Ngọc |
“Việc kinh doanh có thể có kết quả tốt hoặc không được như ý. Khi đến hạn phải thanh toán các khoản tiền gửi mà ngân hàng không có tiền trả thì có thể tiếp tục thỏa thuận gia hạn hoặc khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện để yêu cầu các cơ quan tài phán buộc ngân hàng phải thanh toán tiền gửi”, luật sư Sơn phân tích.
Trong trường hợp ngân hàng không có khả năng thanh toán thì hoàn toàn có thể bị mở thủ tục phá sản. Theo đó, các tài sản của ngân hàng được xử lý để trả nợ cho các chủ nợ. Ngoài ra, việc gửi tiền vào ngân hàng còn được điều chỉnh bởi Luật Bảo hiểm tiền gửi.
“Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Như vậy, trong trường hợp xấu nhất, người gửi tiền có thể được bảo hiểm tiền gửi chi trả một số tiền cố định nhưng không nhiều so với số tiền họ gửi”, luật sư Sơn cho biết thêm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia Kinh tế - Ảnh: NVCC |
Còn theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, ngay cả khi ngân hàng có nguy cơ mất khả năng chi trả thì theo Điều 146 Luật số 47/2010/QH12 Luật Các tổ chức tín dụng quy định rõ: “Ngân hàng vẫn sẽ được Ngân hàng Nhà nước, bảo hiểm tiền gửi và các ngân hàng thương mại cho vay để hỗ trợ thanh khoản”.
“Ngân hàng Nhà nước đã đảm bảo thanh toán tất cả các khoản tiền gửi và lãi suất kèm theo cho các chủ thể gửi tiền, mọi quyền lợi hợp pháp được bảo vệ theo pháp luật”, ông Thịnh nhấn mạnh.