Tiền Giang: Giá cá tra thương phẩm tăng cao so với năm ngoái Xử phạt gần 270 triệu đồng 3 cơ sở kinh doanh phân bón giả ở Tiền Giang |
Công nghiệp, xuất khẩu tiếp tục đà phục hồi
Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt và điều hành chủ động, linh hoạt của tỉnh Tiền Giang cùng với sự chủ động, thay đổi phương thức tiếp cận của doanh nghiệp (DN), kinh tế tháng 4/2022 đã đạt được nhiều kết quả khả quan tích cực. Trong đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại, nhất là công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu (XK) hàng hóa.
Trong tháng 4/2022, cá tra xuất khẩu của Tiền Giang tăng hơn 18% so với cùng kỳ và tăng ở hầu hết thị trường |
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2022 tăng 7,3% so cùng kỳ, trong đó một số ngành chiếm tỷ trọng lớn tăng như: sản xuất đồ uống tăng 8,4%, dệt tăng 5,6%, sản xuất da tăng 36,9%.... Các DN đang dần chủ động được nguồn nguyên liệu để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và một phần được hưởng lợi từ các Hiệp định EVFTA và CPTPP. Đáng chú ý, nhiều DN đã có nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất và nhận được đơn đặt hàng quý 2 và 3/2022.
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng đạt gần 6.640 tỷ đồng, tăng 1,15% so tháng trước và tăng 19,7% so cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đạt hơn 26.400 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất nhập khẩu cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Tiền Giang, trong đó, kim ngạch XK hàng hóa trong tháng 4 đạt 412 triệu USD, tăng 46% so tháng trước, tăng hơn 18% so cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đạt hơn 1,4 tỷ USD, đạt hơn 42% kế hoạch, tăng gần 32% so cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng XK chủ lực là thủy sản, gạo, dệt, may, kim loại.
Ngoài các mặt hàng chủ yếu, trị giá XK một số mặt hàng trong 4/2022 như: giày dép các loại đạt 238,6 triệu USD, tăng 18,3%; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù 112,3 triệu USD, tăng 41%; sản phẩm từ chất dẻo 120 triệu USD, tăng 81,5%... so cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực, quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn gặp một số khó khăn như chi phí vận chuyển tăng dẫn đến chi phi sản xuất tăng; tình trạng thiếu tàu, thiếu container và cước phí vận tải tăng cao làm cho tình hình sản xuất, chế biến thủy sản của các DN trong những tháng tới tiếp tục gặp khó khăn.
Nhìn chung, dù còn nhiều khó khăn thách thức về quá trình phục hồi sản xuất sau dịch, các DN của Tiền Giang đã chủ động thích ứng trong tình hình mới, tận dụng cơ hội để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn có xu hướng phức tạp.
Đẩy mạnh khai thác các thị trường FTA
Theo đánh giá của Sở Công Thương Tiền Giang, một trong những nguyên nhân XK những tháng đầu năm 2022 tăng cao là dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như: thủy sản, kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) dệt may, giày dép, sản phẩm từ chất dẻo… Đặc biệt, các DN đẩy mạnh XK sang những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) để hưởng ưu đãi thuế và các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, cùng với mở rộng XK vào những thị trường mới, qua đó góp phần giúp kim ngạch XK hàng hóa của Tiền Giang tăng so với cùng kỳ.
Riêng với mặt hàng XK chủ lực cá tra, dự báo Trung Quốc có thể vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Tiền Giang. Tuy nhiên đối với thị trường châu Âu và Anh, hiện giá cước vận chuyển tăng đã làm giá cá tra tăng, do đó XK qua thị trường này sẽ khó có đột biến tăng trưởng thời gian tới.
Nhằm thúc thúc đẩy tăng trưởng XK hàng hóa, ông Đặng Văn Tuấn - quyền Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, Sở đã và đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh XK trong thời gian tới.
Theo đó, Sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho DN nắm rõ các FTA đã ký kết để DN nắm bắt được những ưu đãi mà hiệp định mang lại cho XK Việt Nam. Đồng thời, cung cấp thông tin, cập nhật về thị trường XK các mặt hàng nông, thủy sản để DN có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu trị trường trong bối cảnh biến động hiện nay.
Đồng thời, khuyến khích các DN tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống, mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới, chú trọng các thị trường đạt mức tăng trưởng XK cao mà Việt Nam đã ký kết thông qua FTA.
Đặc biệt, để hỗ trợ DN, thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương về xúc tiến, hỗ trợ giao thương giữa các DN, cơ sở sản xuất nông sản, công nghiệp… nhằm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, lợi thế thương mại cho một số sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của Tiền Giang.