Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài khi nào được khởi công? Thủ tướng chỉ đạo giải pháp bứt tốc hoàn thành 1.200 km cao tốc vào năm 2025 |
Sáng nay (12/8), UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức nghi thức động thổ Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu qua địa phận tỉnh Tiền Giang.
Đại tá Lê Xuân Long - Phó Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Trường Sơn, một trong các liên danh nhà thầu thi công dự án - phát biểu tại Lễ động thổ dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Ảnh: NT |
Đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu nối tỉnh Tiền Giang với Đồng Tháp, có chiều dài khoảng 27km, tổng mức đầu tư dự án gần 7.500 tỷ đồng, được chia thành hai dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp có tổng mức đầu tư khoảng trên 3.600 tỷ đồng, đã được khởi công từ tháng 6/2023.
Còn Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng chiều dài khoảng 11,43 km. Trong đó khoảng 3,81 km đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và 7,62 km qua tỉnh Tiền Giang, do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang, Dự án thành phần 2 có điểm đầu giao với dự án thành phần 1 cũng thuộc cao tốc Cao Lãnh - An Hữu tại Km16, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và điểm cuối giao với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình Km98+950 cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 km thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Ở giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, mỗi làn xe rộng 3,5m với chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m với chiều rộng nền đường là 24,75m, vận tốc khai thác 100 km/h.
Dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, có tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.255 tỷ đồng. Thời gian triển khai từ năm 2022 - 2027.
Nghi thức động thổ dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Ảnh: NT |
Để thực hiện Dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, có 665 hộ dân thuộc 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang (Đồng Tháp 188 hộ, Tiền Giang 477 hộ) bị thu hồi đất với diện tích hơn 83 ha. Trong đó, tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 477 hộ dân ở Tiền Giang bị ảnh hưởng với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng.
Dự án thi công có tổng nhu cầu cát đắp nền và gia tải cho dự án khoảng 0,95 triệu m3; trong đó, phía tỉnh Đồng Tháp cung cấp 300.000 m3 cát để thi công (đoạn thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp). Phần khối lượng cát đắp còn lại khoảng 650.000 m3 dự kiến sử dụng nguồn cát từ các mỏ trên địa bàn huyện Cái Bè, Tiền Giang.
Đại tá Lê Xuân Long - Phó Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Trường Sơn, một trong những nhà thầu liên danh thi công dự án này - cho biết, đã huy động hơn 100 phương tiện, máy móc và hàng trăm lao động quyết tâm thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng.