Tiềm năng lớn cho xuất khẩu hàng Việt Nam từ thị trường các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu
Tin hoạt động 25/08/2017 18:10
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá, Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) có năm nước thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia. Tổng dân số khối này có 182 triệu người và có GDP chiếm 3,2% GDP toàn cầu. Hiệp định thương mại tư do giữa Việt Nam và EAEU đã được ký kết năm 2015 và chính thức có hiệu lực 5/10/2016, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) cả hai bên trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu. DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường có tổng GDP gần 2,2 nghìn tỷ USD, 183 triệu dân, ngược lại DN các nước EAEU sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam và tiềm năng hợp tác với ASEAN. Tuy nhiên, tiềm năng thị trường rộng lớn này các DN lâu nay chưa khai thác hết, vì vậy cơ hội này thuộc về sự năng động của từng DN của hai bên.
Có thể nói rằng, Hiệp định Thương mại tự do VN – EAEU đã đánh dấu trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EAEU nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. Hiệp định là FTA thứ 10 của Việt Nam nhưng đây lại là FTA đầu tiên mà EAEU ký với đối tác bên ngoài. Hiệp định đã được thực thi được gần 1 năm nhưng đã đóng góp lớn cho sự phát triển thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước EAEU. Cụ thể, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,77 tỷ USD, tăng 10%, xuất khẩu của EAEU sang Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, tăng 45%. Về tổng thể, Liên bang Nga chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU đạt 1,7 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016. Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện có khoảng 938 DN tham gia xuất khẩu sang EAEU; trong đó, khoảng 200 DN có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng như thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại…; số DN còn lại tham gia xuất khẩu nhưng kim ngạch không đáng kể.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và các nước thành viên EAEU tìm kiếm thông tin thị trường đồng thời hy vọng hợp tác kinh tế giữa hai bên sẽ được phát triển |
Tại hội thảo, các thông tin về thị trường EAEU, các ưu đãi và cam kết của Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EAEU, lộ trình giảm thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, các lưu ý với DN về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định, triển vọng của tuyến đường sắt từ Việt Nam - Kazakhstan - LB Nga - Châu Âu nhằm giảm chi phí vận chuyển và tận dụng tối đa lợi ích từ FTA đã được các chuyên à DN bàn thảo.
Ông Khan Nov- Trưởng Cơ quan đại diện Thương mại LB Nga tại Việt Nam- cho biết, Hiệp định thương mại tự do giữa EAEU và Việt Nam có hiệu lực đã cho kết quả, từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, tăng trưởng thương mại song phương đạt hơn 20%, theo thống kê của Việt Nam chỉ số này là 28%.
Theo số liệu của phía Nga, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 460 triệu USD, nhập khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD. Từ đầu năm nay, xuất khẩu của Nga gia tăng đối với ngũ cốc, nhóm hàng thực phẩm, các sản phẩm ngành công nghiệp giấy, công nghiệp hóa chất. Nếu như trước đây, xuất khẩu than của Nga sang Việt Nam không vượt quá 3 triệu tấn, nay đã tăng 6 triệu tấn. Xuất khẩu thép của Nga sang Việt Nam cũng tăng nhiều lần, trong đó phục vụ chính cho ngành đóng tàu biển.
Các DN Việt Nam cũng có tăng trưởng xuất khẩu sang Nga, nhất là điện thoại di động, các sản phẩm điện tử khác, quần áo, giày dép, nông sản. Để giao thương giữa Việt Nam và Nga phát triển, theo ông Khan Nov, các DN Nga và Việt Nam cần được cung cấp đầy đủ thông tin về các cơ hội của thị trường hai nước, DN cần được giúp đỡ để khắc phục các rào cản hành chính và kỹ thuật để củng cố vị trí của mình trên thị trường hai nước.
Ông Vũ Tá Tùng- Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam- cho rằng, sự hợp tác với các đối tác của đường sắt Kazakstan và LB Nga trong phát triển logistics trên tuyến đường sắt liên vận quốc tế giữa Việt Nam- Trung Quốc- Kazakhstan- Liên bang Nga- EU hiện nay là rất cần thiết.
Việt Nam có hai cửa khẩu kết nối với mạng đường sắt Âu - Á là Đồng Đăng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc) và Lào Cai (Việt Nam) - Sơn Yêu (Trung Quốc). Năm 2016, hàng xuất nhập khẩu bằng đường sắt đạt 692.000 tấn, năm 2017 khoảng 890.000 tấn. Hàng hóa liên vận từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc, năm 2016 đạt 2100 tấn (chủ yếu là chè, thực phẩm) đi đến Kazakhstan và quá cảnh Kazakhstan đến các nước Trung Á như Uzbekistan, Tadjikistan, Kyrgyz. Ông Tùng nhìn nhận, triển vọng về đường sắt liên vận Á - Âu là rất lớn. Hành trình chạy tàu container chuyên tuyến Việt Nam đi Moskva khoảng 18-20 ngày đêm, nếu đi bằng đường biển mất 40-45 ngày đêm. Đây là một lợi thế để hàng hóa thông thương, đặc biệt đối với các mặt hàng có giá trị, cần vận chuyển nhanh, bảo quản đặc biệt.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, năm 2016, hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh xuất sang EAEU đạt 180 triệu USD, tăng 19% so với năm 2015, trong đó thị trường Nga chiếm 95%. Theo ông Hòa, thị trường các nước thuộc EAEU đầy tiềm năng đối với hàng hóa của Việt Nam, tuy nhiên, các DN chưa nắm bắt được cơ hội để cho hàng Việt “trú chân” vững chắc tại đây.
Thực phẩm chế biến của Vissan đã có mặt ở một số thị trường thuộc EAEU |
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đúc kết, trong bối cảnh hiện nay, việc “bắt tay” với EAEU sẽ mở ra cơ hội quý báu cho các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Các con số giao thương hiện nay chứng tỏ, Hiệp định bước đầu đã mang lại những kết quả thiết thực. Đồng thời, người tiêu dùng của Việt Nam cũng như 5 nước thành viên EAEU đã và đang được hưởng các điều kiện thuận lợi trong việc nhập khẩu và sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo Hiệp định. “Tuy nhiên để tận dụng những cơ hội và ứng phó hiệu quả những thách thức mà Hiệp định FTA Việt Nam- EAEU mang lại, không có cách nào khác là mỗi DN cần nỗ lực vươn lên, sớm điều chỉnh chiến lược cho phù hợp, có giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, trụ vững trên thị trường ngoài nước” - Thứ trưởng nhận định.