Doanh thu giảm
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của hầu hết đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) sụt giảm. Tính riêng quý II/2020, doanh thu thuần của tập đoàn chỉ đạt hơn 3.082 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong nửa đầu năm nay, doanh thu của Vinatex giảm 24,5%, đạt 7.046 tỷ đồng và lợi nhuận nhuận sau thuế đạt 276 tỷ đồng, giảm 20,7% so với nửa đầu năm 2019.
Doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn về đơn hàng |
Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, tổng quan các DN gia công da giày vẫn có số lượng đơn hàng để cầm cự, tuy nhiên, có một thực trạng là đối với DN lớn đã phải cắt giảm 30% nhân công, thậm chí có DN giảm đến 70% nhân công.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng không nằm ngoài tình trạng trên, do tác động tiêu cực của dịch bệnh và các yếu tố như thời tiết diễn biến bất lợi, nguồn nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Vinachem gặp khó khăn rất lớn.
Ông Bùi Thế Chuyên - Phó Tổng giám đốc Vinachem - cho biết, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý II của tập đoàn đạt được không cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế quý II đạt 9.559 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch và lũy kế 6 tháng đạt 18.443 tỷ đồng, bằng 41,5% so với kế hoạch năm.
Linh hoạt ứng phó
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể đối với ngành dệt may, nửa cuối năm DN dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; đồng thời tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất…
Đối với Vinachem, các đơn vị sản xuất nguyên liệu, vật tư phòng, chống dịch như nhóm sản phẩm hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, oxy như Công ty Bột giặt LIX, Bột giặt NET, Xà phòng Hà Nội, Hóa chất cơ bản Miền Nam, Hóa chất Việt Trì, Thuốc sát trùng Việt Nam và Phân bón và Hóa chất Cần Thơ cũng xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất các sản phẩm sát khuẩn, sát trùng để kịp thời đáp ứng nhu cầu phục vụ chống dịch trong tình hình mới, tránh tồn kho sản phẩm, góp phần ổn định giá cả thị trường.
Về hỗ trợ tài chính và chế độ, chính sách, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch bệnh, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục cho các DN vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh cho tập đoàn, tổng công ty khó khăn về vốn.