Lợi ích và hệ lụy
Theo ông Đào Duy Tân - Chủ tịch Hội Thủy điện vừa và nhỏ - Năng lượng xanh, về mặt lý thuyết, Việt Nam có thể đạt khoảng 300 tỷ kWh (35.000 MW) từ việc phát triển thủy điện. Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài phát điện, các thủy điện còn hỗ trợ cắt, giảm lũ trong mùa mưa bão, cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của người dân vùng hạ du.
Trên thực tế, các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế địa phương với đóng góp trên 30% GDP; tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, dân trí phát triển, hạ tầng giao thông được cải thiện; thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ khác.
Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt thủy điện vừa và nhỏ, thiếu kiểm soát cũng đã gây ra những hệ lụy không nhỏ. Hàng chục nghìn ha đất, rừng bị ngập và tàn phá; sự cộng hưởng của mưa lũ đã ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng hạ du; sự yếu kém về năng lực, quản lý của các chủ đầu tư, sự lơ là của cơ quan chức năng địa phương để xảy ra một số sự cố như vỡ đập. Chính các nguyên này khiến người dân “dị ứng” với thủy điện.
Trước tình trạng này, năm 2013, Quốc hội, Chính phủ đã siết chặt quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện bằng cách giao Bộ Công Thương rà soát, loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang (395 MW); 418 dự án thủy điện nhỏ (1.174,49 MW); tạm dừng có thời hạn 136 dự án; không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng (375,65 MW) và tiếp tục rà soát 158 dự án thủy điện nhỏ.
Nên xem xét lại
Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nhu cầu về nguồn điện rất lớn. Theo Quy hoạch Điện VII, đến năm 2020, tổng công suất nguồn đạt khoảng 75.000 MW, trong đó: Thủy điện chiếm 23,1%. Có một thực tế là đến năm 2017, cơ bản nguồn thủy điện lớn của Việt Nam đã khai thác hết, việc phát triển nhiệt điện than đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn nhiên liệu và nguy cơ ô nhiễm môi trường. Các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió và sinh khối có chi phí đầu tư cao; mặt khác giá điện thấp nên khó kêu gọi đầu tư trong khi cộng đồng không muốn điện tăng giá. Đây thực sự là bài toán khó đối với ngành điện Việt Nam.
Theo ông Tân, việc loại bỏ các thủy điện ảnh hưởng tới môi trường, xã hội hay những dự án “trục lợi” là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét một cách đầy đủ, thấu đáo, khách quan, khoa học về những dự án thủy điện vừa và nhỏ tiềm năng, ít ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường, xã hội mà hiệu quả, tránh nhận xét chung chung theo kiểu thủy điện là “tội đồ”.
Đơn cử, doanh nghiệp của ông Tân có 4 dự án thủy điện cột nước thấp từ 10-12 m. Đập nước của những thủy điện này còn thấp hơn đập thủy lợi nên không phải di dân, không tốn nhiều diện tích lòng hồ, không phải chặt phá rừng, lại tận dụng được nguồn nước từ các nhà máy thủy điện lớn đầu nguồn nên hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đào Duy Tân - Chủ tịch Hội Thủy điện vừa và nhỏ - Năng lượng xanh: Để giải bài toán thủy điện vừa và nhỏ, trước hết cần tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ về đầu tư thủy điện; rà soát, nghiên cứu đánh giá lại từng dự án cụ thể. Cần minh bạch trong thông tin, quản lý cấp phép, xây dựng công trình. Chỉ lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực thực sự với những chế tài chặt chẽ, nghiêm minh. Đồng thời xây dựng cơ chế ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, nhất là giá mua điện. |