Thứ tư 06/11/2024 01:27

Thủy điện góp phần quan trọng về phát điện, làm chậm lũ và cấp nước cho hạ du

Để nâng cao hiệu quả vận hành của thủy điện trước những diễn biến bất thường của thiên tai, vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa bảo đảm điều tiết nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và góp phần cắt lũ trong mùa mưa bão, các chuyên gia nhận định, việc nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn là hết sức quan trọng.

Đảm bảo an ninh nguồn nước

Nhằm làm rõ hiện trạng an toàn hồ đập và kết quả quản lý vận hành thủy điện; phân tích những khó khăn và đề xuất chính sách để việc quản lý, vận hành thủy điện phát huy hiệu quả tối đa, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một phức tạp, tọa đàm “Vận hành thủy điện thích ứng với biến đổi khí hậu” tổ chức ngày 3/11 đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự.

Đánh giá về tầm quan trọng của thủy điện đối với đời sống kinh tế xã hội, ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương - chia sẻ, thủy điện là năng lượng tái tạo, và không mấy nước trên thế giới có nguồn sinh thủy và điều kiện tự nhiên như Việt Nam để phát triển loại năng lượng này.

Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương - phát biểu tại tọa đàm

“Hiện nay, chúng ta có 429 nhà máy thủy điện đang vận hành, chiếm tới hơn 37% sản lượng điện hàng năm, đây là nguồn năng lượng quý. Cha ông ta những năm 60 của thế kỷ trước, mặc dù trong điều kiện chiến tranh, đã xây Nhà máy thủy điện Thác Bà, cho thấy đây là nguồn lực quý, và phải khai thác đảm bảo an toàn”, ông Thực nhấn mạnh.

Trong quá trình quản lý, Bộ Công Thương tuân thủ quy định của văn bản pháp luật và thực hiện Nghị định 114/2018 NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Với 429 nhà máy thủy điện, các chủ đầu tư đang chấp hành tốt quy trình vận hành đã được phê duyệt, ông Thực cho biết thêm.

Cũng chia sẻ tại tọa đàm, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, thủy điện trong hệ thống điện Việt Nam vẫn có vai trò cực kỳ quan trọng. Trong tương lai, khi các dự án năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời phát triển thì vai trò của thủy điện càng quan trọng hơn, bởi vì thủy điện có thể điều chỉnh được việc phát điện theo thời tiết để bảo đảm an toàn, an ninh cung cấp điện.

Không chỉ có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thủy điện còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa cạn, góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực và làm chậm quá trình gây ngập lũ cho hạ du.

Ông Mai Sỹ Diến - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc giám sát an ninh nguồn nước quốc gia cần được coi trọng.

Nhận định về vấn đề này, ông Mai Sỹ Diến, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho hay, những năm vừa qua, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến an ninh nguồn nước. Do đó, vai trò của hồ đập thủy điện là giữ nước cho mùa hạn hán (tháng 4, 5, 6), bảo đảm nước đáp ứng cho mùa vụ. Có thể thấy rõ, hồ đập thủy điện đã tích trữ nước từ mùa mưa để cung cấp cho mùa khô, phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực. Với vai trò quan trọng đó, đòi hỏi sự giám sát an ninh nguồn nước quốc gia cần được coi trọng.

“Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét ban hành nghị quyết riêng về bảo đảm an ninh nguồn nước. Tôi hy vọng sau khi Nghị quyết được thông qua, các bộ ngành có liên quan sẽ ban hành thông tư cụ thể, rõ ràng để bảo đảm nguồn nước”, ông Diến thông tin.

Tăng cường công tác dự báo

Để đảm bảo an ninh nguồn nước, các chuyên gia khẳng định, trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, công tác vận hành hồ thủy điện hết sức quan trọng, nếu không làm tốt, nguy cơ mất an toàn đập là rất cao.

Ông Phạm Trọng Thực nhận định, cho đến lúc này, quá trình quản trị, vận hành thủy điện đang bám rất sát. Tuy nhiên, vận hành thủy điện phụ thuộc rất nhiều vào bản tin, dự báo khí tượng thủy văn. Đặc biệt ở miền Trung, với địa hình dốc, sông ngắn nên một số hồ không có khả năng cắt lũ, xả lũ như một số hồ miền Bắc. Vì thế, việc dự báo tính thời gian thực của lượng mưa đến hồ rất quan trọng.

Tọa đàm “Vận hành thủy điện thích ứng với biến đổi khí hậu” ngày 3/11 đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự

"Đây là dữ liệu để chủ hồ và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh đưa ra quyết định (trong Nghị định 114 quy định Chủ tịch UBND tỉnh có quyền điều hành các hồ chứa trong mùa mưa lũ và xử lý tình huống khẩn cấp). Nếu chúng ta có dự báo và có thiết bị quan trắc cập nhật được thì công tác điều hành sẽ tốt hơn", ông Thực cho hay.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay theo các chuyên gia nhận định, trong vận hành liên hồ chứa, việc giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa đảm bảo an toàn cho hạ lưu với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước cho các ngành (như phát điện, tưới tiêu, hoặc cấp nước dân dụng) cũng khá phức tạp.

Ông Hoàng Văn Thắng - Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam - bày tỏ: Trong quá trình vận hành, các lưu vực chứa cho phép chứa một lượng nước nhất định. Như vậy xả bao nhiêu là một câu chuyện rất cần cân nhắc. Nếu xả nhiều quá thì lượng mưa tiếp theo quá ít sẽ không đủ, đặc biệt là vào cuối mùa mưa. Nếu xả quá nhiều thì hồ năm sau thiếu nước và hiệu quả cung cấp điện lại thấp đi. Do đó, để giải quyết được thì phải nâng cao năng lực dự báo.

Ở các nước, tại các lưu vực sông lớn họ đều có một trung tâm vận hành và họ tập trung rất cao dự báo để đạt được sự chính xác cao nhất. Nếu làm được điều này chúng ta sẽ rất chủ động, hiệu quả cung cấp điện, cấp thoát nước sẽ được tăng lên và các công tác bảo đảm an toàn cho vùng hạ du cũng sẽ được tăng lên.

Ngoài ra, năng lực chỉ đạo cũng là một yếu tố quan trọng cùng với công tác dự báo. Bởi vào mùa mưa lũ thì hạn mực nước lại do chính quyền, cụ thể là cơ quan phòng chống thiên tai của Trung ương hoặc địa phương quyết định. Trong vấn đề này, vai trò của chủ đập là không thể tránh khỏi vì là người trực tiếp vận hành. Như trên sông Hồng, sông Đà ta mời đến 6 cơ quan dự báo, hoạt động độc lập và đưa ra tham mưu cho cơ quan quản lý. Tôi nghĩ mọi lưu vực sông lớn đều phải kết nối với các cơ quan khoa học để dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản cho cơ quan quản lý để ra quyết định”, ông Thắng phân tích.

Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam Hoàng Văn Thắng chia sẻ, trong quá trình vận hành các lưu vực chứa, vai trò của dự báo khí tượng thủy văn đặc biệt quan trọng

Các chuyên gia cho rằng, trong các kịch bản biến đổi khí hậu cho biết những năm tới, ngày mưa lớn nhất lịch sử có thể tăng từ 10-70%, đặc biệt là miền Trung. Bão chồng bão, lũ chồng lũ, ngập lụt liên tục gây ra sạt lở đất ở những nơi mà thậm chí nguy cơ sạt lở đất cũng không thấy, không vào những điểm mà trong bản đồ nguy cơ có dự báo trước đó.

Đặc biệt, trong tương lai, biến đổi khí hậu có thể còn có những tác động mạnh mẽ, gây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Do đó, cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, vận hành công trình thủy điện để vừa thích nghi với biến đổi khí hậu và các điều kiện thủy văn diễn biến khó lường, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa, vừa đảm bảo khả năng tích nước phục vụ sản xuất điện và nhu cầu nước hạ du.

Nhằm nâng năng lực quản lý, giám sát vận hành thủy điện, ông Phạm Trọng Thực chia sẻ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để giám sát vận hành và điều tiết hồ chứa, phòng chống bão lụt một cách toàn diện. Có những vấn đề phát sinh sẽ xử lý, chỉ đạo chủ hồ chứa và đặc biệt các hồ thủy điện vận hành lâu xem xét lại điều kiện thủy văn đã thay đổi, hoặc các quy trình liên hồ đã được cập nhật thì cần điều chỉnh quy trình vận hành cho phù hợp để đáp ứng được diễn biến khí hậu cực đoan.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều hành hồ chứa trong mùa lũ, mùa kiệt, bảo đảm an toàn cho hạ du, sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo sinh hoạt cho người dân, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đỗ Nga
Bài viết cùng chủ đề: Thủy điện

Tin cùng chuyên mục

Ngành chế biến, chế tạo đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp 10 tháng của Nam Định

Viện Nghiên cứu Cơ khí: Tích cực tham gia chuyển đổi năng lượng xanh, giao thông xanh

PMI Việt Nam tăng trưởng trở lại, tạo lực đẩy cho sản xuất công nghiệp tăng tốc cuối năm

TP. Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp thiết lập hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thay vì ‘than vãn’ hãy tìm phương pháp

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh để nắm bắt cơ hội

Việt Nam khẳng định vị thế trong ngành nam châm vĩnh cửu, đất hiếm

Cần cơ chế đột phá phát triển ngành công nghiệp hoá dược

igus® mang đến giải pháp bền vững cho phòng sạch và tự động hóa tại triển lãm VIMF Bắc Ninh 2024

Đoàn doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại HANSSIP

Để lĩnh vực hóa chất trở thành ngành công nghiệp nền tảng

Doanh nghiệp dệt may chủ động chuyển đổi xanh

Đà Nẵng: Doanh nghiệp sản xuất lạc quan về đích năm 2024 vượt 40% kế hoạch

Sắp diễn ra Triển lãm ngành gốm sứ và đá khu vực Đông Nam Á

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội cho công nghiệp chế tạo tự chủ sản xuất

Triển lãm công nghiệp Việt Nam 2024 sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Bắc Ninh

Doanh nghiệp da giày chịu nhiều sức ép trong 'xanh hóa' sản xuất

Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định về khuyến công

Ngành công nghiệp chế tạo thiết bị toàn bộ ghi dấu ấn trên nhiều công trình trọng điểm

Hoá chất là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế