Trung tâm vận hành Nhà máy thủy điện A Vương |
Chia sẻ với phóng viên báo Công Thương, ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết, công tác chuẩn bị PCTT&TKCN hiện đã hoàn tất. Theo đó, Ban lãnh đạo công ty đã đi kiểm tra tất cả các điểm như đập, nhà máy, một số khu tái định cư…
Theo ông Thế, Thủy điện A Vương đã phối hợp với một số thủy điện lân cận, chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành đã tổ chức 18 buổi tuyên truyền với hơn 1.000 người tham dự. Theo đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề như: trình diễn quy trình hồ chứa, giới thiệu hệ thống thủy điện, một số khuyến cáo phòng tránh và sự chuẩn bị, phối hợp của người dân theo phương châm “bốn tại chỗ”…
“Sự phối hợp của người dân hết sức quan trọng, bởi khi người dân có đầy đủ thông tin, sự hiểu biết nhất định thì khi thiên tai xảy ra sẽ hạn chế tối đa những thiệt hại”, ông Thế chia sẻ.
Hiện nay, Thủy điện A Vương thực hiện xả lũ theo quy trình vận hành xả lũ liên hồ nên góp phần rất lớn trong việc cắt giảm lũ. Vai trò của thủy điện là thực hiện đúng theo quy trình và sự chỉ đạo điều hành của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam nên hiếm khi xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Thủy điện A Vương có đặc thù là nằm ở phía thượng nguồn (giáp Lào) sông Vu Gia nên nước hiếm khi cạn. Thủy điện A Vương thực hiện đúng theo quy trình vận hành liên hồ góp phần rất lớn cho các thủy điện ở phía dưới là Thủy điện Sông Bung 4A, 5, 6 điều tiết vận hành xuống vùng hạ du. Nếu A Vương tích nước hợp lý thì mùa khô sẽ có lợi rất lớn cho các thủy điện phía dưới vận hành hoạt động và cung cấp nước cho người dân vùng hạ du.
Nói về kinh nghiệm vận hành xả lũ, ông Thế cho rằng, năm 2017 các thủy điện trong hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn thực hiện rất tốt, nhịp nhàng, hiệu quả. Công tác dự báo thời tiết hết sức quan trọng, cộng với kinh nghiệm xả lũ hợp lí, như xả sớm, xả nhỏ, không xả ào ạt, phía hạ du cũng tính toán việc đón lũ hợp lí, chủ động, không chủ quan thì việc PCTT&TKCN sẽ hiệu quả.
Về việc hiện nay vẫn còn trong quan niệm của người dân vùng hạ du rằng việc lũ là do thủy điện. Điều này một phần lỗi là do một số thủy điện xả lũ chưa hợp lý nên khiến người dân còn hoài nghi và thiếu niềm tin. Thực chất lũ lớn là do trời, nếu thủy điện thực hiện tốt quy trình thì góp phần vào việc điều tiết lũ trong mùa mưa, cung cấp nước cho mùa hạn.