Hiệu quả trong việc cắt giảm lũ của Thủy điện A Vương Thủy điện A Vương cán mốc 10 tỷ kWh điện |
“Thủy điện A Vương những năm gần đây điều tiết giảm lũ cho hạ du khá tốt, không để đỉnh lũ vượt cao. Bởi nếu vận hành không tốt thì đỉnh lũ dưới hạ du sẽ ngập sâu hơn, diện rộng hơn, ảnh hưởng đến đời sống người dân rất nhiều” – Đây là một trong những đánh giá của Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam khi được hỏi về quá trình phối hợp, cắt giảm lũ của Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương (AVC).
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Thủy điện A Vương |
Tính đến đầu tháng 11/2022, nước ta đã đón nhận 06 cơn bão với diễn biến phức tạp. Trong đó, bão số 4 “Noru” được nhận định là một trong những cơn bão nguy hiểm nhất 20 năm gần đây. Còn bão số 5 “Sơn ca” đã gây mưa lớn diện rộng, nhiều nơi lượng mưa cao lịch sử, cộng thêm triều cường, dẫn đến ngập lụt lớn, khiến các tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng… chìm trong biển nước.
Lúc này, bên cạnh nỗi lo đời sống, sản xuất, tài sản của người dân, các công trình, hạ tầng chịu thiệt hại lớn, thì việc vận hành các hồ thủy điện an toàn, cắt giảm lũ hiệu quả cho hạ du cũng được các ngành, chính quyền địa phương, chuyên gia và người dân đặc biệt quan tâm. Tại tỉnh Quảng Nam, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) có các nhà máy Thủy điện: A Vương, Sông Bung 2 và Sung Bung 4 đứng chân. Trước các đợt mưa bão, EVNGENCO2 đều có những chỉ đạo kịp thời để các đơn vị chuẩn bị phương án, kịch bản ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn hồ đập, cắt giảm lũ hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại cho vùng hạ du.
Với sự chủ động trong quá trình vận hành, quản lý, các đơn vị đã không ngừng nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa vào công tác ứng phó thiên tai. Trước đây, việc theo dõi diễn biến thời tiết, các bản tin cảnh báo, dự báo bão, lũ lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, hay việc quan trắc lượng mưa, dòng chảy đến hồ chứa thủy điện A Vương, cũng như thống kê thông số vận hành hồ chứa, mực nước ở các trạm thủy văn chưa có phần mềm tổng hợp, phải thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như các trang web PCTT&TKCN nên gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo, vận hành, điều tiết hồ chứa. Bên cạnh đó, các kịch bản vận hành hồ chứa được xây dựng qua module file Excel, chưa linh hoạt, chưa đáp ứng nhanh với từng tình huống mưa lũ xảy ra. Đồng thời, việc cung cấp thông tin số liệu khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa của Thủy điện A Vương như mực nước thượng lưu hồ chứa, lưu lượng nước về hồ, lưu lượng nước xả tràn, chạy máy… phải gửi đến nhiều địa chỉ Email, Website của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN từ trung ương đến địa phương theo quy định, khó tránh khỏi thiếu sót, mất nhiều thời gian, đặc biệt là trong các thời điểm “nóng”, đang có thiên tai bão lũ lớn xảy ra, phải cập nhật liên tục khoảng 30 phút/lần. Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, năm 2021, AVC đã nghiên cứu đưa vào vận hành Phần mềm quản trị sản xuất thông minh XHQ và Phần mềm cập nhật số liệu thủy văn tự động, giải quyết các vấn đề then chốt trong công tác quản lý, vận hành an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Các phần mềm này đã giúp liên kết thông tin diễn biến thời tiết, bản tin cảnh báo, dự báo mưa lũ, thiên tai ảnh hưởng đến lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và lưu vực hồ chứa Thủy điện A Vương, các số liệu về quan trắc lượng mưa, dòng chảy đến hồ, thông số vận hành hồ hiển thị trên một phần mềm chung, thuận tiện theo dõi, quản lý. Trên cơ sở các số liệu thu thập, hệ thống nhanh chóng đưa ra các kịch bản vận hành hồ chứa theo từng tình huống mưa lũ có thể xảy ra, làm cơ sở báo cáo với cấp có thẩm quyền tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng để theo dõi, chỉ đạo, quyết định vận hành hồ kịp thời, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Bên cạnh lợi ích trong mùa mưa bão, phần mềm còn có khả năng theo dõi độ mặn tại cửa lấy nước thô Nhà máy nước Cầu Đỏ để phục vụ việc điều tiết hồ chứa, góp phần giảm mặn cho hạ du trong mùa khô.
Hình ảnh phần mềm nhập số liệu tự động lên các website |
Trong công tác báo cáo, hệ thống cung cấp tự động số liệu vận hành hồ chứa lên website Phòng chống thiên tai của Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Nam, Cục quản lý Tài nguyên nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đáp ứng việc cung cấp thông tin trong các trường hợp khẩn cấp. Phần mềm còn tổng hợp, kiểm soát đầy đủ Email của các cơ quan, đơn vị, ban ngành trung ương, địa phương có yêu cầu cung cấp thông tin; Các biểu mẫu cung cấp số liệu vận hành hồ, biểu mẫu thông tin vận hành hồ phát trên hệ thống loa cảnh báo. Qua đó, giúp công tác báo cáo, truy xuất, lưu trữ dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác tuân thủ đúng theo quy định pháp luật về khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, quy trình vận hành liên hồ chứa, quy định quản lý an toàn đập hồ chứa, cũng như các quy định về công tác phòng chống thiên tai.
Khi đánh giá về công tác phối hợp, cung cấp thông tin của Thủy điện A Vương trong các đợt bão lũ, ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trong những năm qua, các nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia cũng như nhà máy Thủy điện A Vương đã phối hợp với địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người dân trong việc chủ động phòng tránh thiên tai bão lũ. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Lộc, Đài Truyền thanh huyện đã ký kết Quy chế phối hợp cung cấp thông tin với các nhà máy thủy điện, qua đó thường xuyên cung cấp các thông tin liên quan đến bão lũ, vận hành xả tràn hồ chứa kịp thời đến địa phương, người dân để chủ động trong việc phòng tránh lũ lụt. Việc vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa trên sông Vu Gia, trong đó có hồ Thủy điện A Vương những năm gần đây thực hiện khá tốt, điều tiết giảm lũ cho hạ du khá tốt, không để đỉnh lũ vượt cao. Nếu vận hành không tốt thì đỉnh lũ dưới hạ du sẽ ngập sâu hơn, diện rộng hơn, sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng hạ du rất nhiều”.
Bên cạnh đó, Thủy điện A Vương còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi nội dung thông tin vận hành hồ chứa thành giọng nói, phát trên hệ thống loa cảnh báo ở vùng hạ du. Nhờ vậy thông tin về thời gian, lưu lượng nước xả tràn, điều tiết hồ chứa, tình hình thiên tai, bão lũ nhanh chóng đến được với người dân, giúp bà con chủ động có biện pháp phòng tránh, ứng phó phù hợp, giảm thiểu rủi ro thiệt hại về tài sản và tính mạng.
Qua việc phát loa tuyên truyền, cảnh báo của các nhà máy thủy điện trước khi lũ lụt, loa cảnh báo xả tràn đã giúp cho người dân vùng hạ du chúng tôi chủ động thực hiện phòng tránh lũ lụt, thực hiện di chuyển đồ đạc, của cải cũng như người đến nơi an toàn trước thời điểm đỉnh lũ lên cao, người dân chúng tôi luôn chủ động ứng phó, phòng tránh lũ kịp thời” – Anh Sáu – Xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết.
Đập tràn hồ chứa Thủy điện A Vương |
Qua 3 đợt mưa lũ lớn kể từ đầu năm 2022, Thủy điện A Vương – Tổng công ty phát điện 2 đã vận hành hồ chứa cắt giảm được 248,48 triệu m3 nước về hạ du trên tổng số 290,54 triệu m3 nước về hồ ở giai đoạn lũ (chiếm 85,5%) và cắt 100% các đỉnh lũ. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị vận hành.
Có thể thấy, Phần mềm quản trị sản xuất thông minh XHQ và Phần mềm cập nhật số liệu thủy văn tự động đã giúp Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương đảm bảo việc vận hành an toàn công trình và quan trọng nhất là cắt giảm lũ hiệu quả, góp phần cùng chính quyền địa phương giảm thiểu thiệt hại cho người dân vùng hạ du trong các đợt thiên tai bão, lũ.