Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia |
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế mở cửa trở lại, thực hiện chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19; số ca nhiễm, ca tử vong giảm sâu, dịch cơ bản được kiểm soát, khẳng định chủ trương đúng đắn trong thời gian qua.
Phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Kinh tế - xã hội Quý I/2022 tiếp tục thu được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá, GDP ước tăng 5,03% so với cùng kỳ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách nhà nước (NSNN) 4 tháng đạt 46,6% dự toán, tăng 15,4%, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay...
Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Chưa thống nhất trình danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình và phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công dẫn tới khó hoàn thành yêu cầu theo mốc thời hạn của Nghị quyết, ảnh hưởng đến kết quả hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018-2020, tuy nhiên trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục, cầu trong nước có xu hướng hồi phục sẽ gây sức ép lớn đến lạm phát.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia so với mức tăng hàng hóa thế giới, lạm phát trong nước tăng chậm hơn nhờ vào giá thực phẩm luôn ở mức âm từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022, nhóm hàng này có trọng số là 22,6% cao hơn nhiều so với mức 9,37% của nhóm hàng giao thông trong rổ tính CPI, tuy nhiên, giá thực phẩm đang có xu hướng âm ít hơn và có khả năng dương trở lại trong các tháng tới; tiêu dùng khôi phục chậm nhất là tiêu dùng dịch vụ cũng là nguyên nhân hỗ trợ lạm phát của nước ta tăng chậm.
“Cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác. Có ý kiến đề nghị báo cáo rõ hơn về tình trạng khan hiếm xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua” - ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân 04 tháng đầu năm đạt 18,48% tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân. Vì vậy, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ các Bộ, cơ quan này, nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm giải ngân; báo cáo chi tiết về tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân, khả năng hoàn thành kế hoạch một số dự án trọng điểm, tình hình triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia.
Trong đó, có việc thiếu hụt vật liệu thi công, chậm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tình trạng chậm tiến độ dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; việc triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chậm, dẫn tới phải chuyển nguồn toàn bộ 24.000 tỷ đồng sang năm 2022.
Năm 2022, nhiệm vụ giải ngân là rất nặng nề, đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch; việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng làm chậm giải ngân đầu tư công và ảnh hưởng đến chi phí đầu tư công. Có ý kiến cho rằng thời gian vừa qua xảy ra tình trạng chuyển các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công, do đó cần đánh giá việc tổ chức thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đáng chú ý, thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm; số lượng lớn các nhà đầu tư mới (khoảng 1,5 triệu) không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện
Để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp theo báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa,
Đồng thời, triển khai nhanh, khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và 2023, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Cùng với đó, xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, tránh làm gián đoạn hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Khuyến nghị và hướng dẫn doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác xuất khẩu và đầu tư để giảm thiểu tác động tiêu cực và bảo đảm ứng phó, thích ứng tốt với các biến động kinh tế thế giới. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về thể chế; triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Mặt khác, kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất, không để đứt gãy, đặc biệt là chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng dầu; đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện. Quan tâm, chỉ đạo giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh phía Bắc.
Xây dựng giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu; các kịch bản điều hành giá xăng dầu trong nước. Các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng, dầu; rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở; kết hợp sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các công cụ khác để bình ổn thị trường.