Thương mại hai chiều vượt 100 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu đạt 79,2 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước.
7 tháng đầu năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 112,9 tỷ USD. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời là thị trường đầu tiên có kim ngạch hai chiều với Việt Nam vượt con số 100 tỷ USD, tính từ đầu năm đến nay.
Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu rất sôi động. Ảnh: Trọng Bảo |
Dẫu chưa hồi phục đồng đều đối với tất cả các mặt hàng, nhưng lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tháng 7 của nước ta sang Trung Quốc tăng nhanh so với các tháng trước, nhiều mặt hàng có mức tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD như: Điện thoại (1,45 tỷ USD, tăng 18% so với tháng 6), máy tính (1,24 tỷ USD, tăng 57%), cao su (173 triệu USD, tăng 124%)…
Đây là tốc độ tăng nhanh nhất so với các tháng kể từ đầu năm tới nay. Mức tăng trưởng của các ngành hàng chủ lực kể trên trong tháng 7 phản ánh đơn hàng cải thiện thấy rõ, nhất là các nhóm hàng này đều đóng góp kim ngạch xuất khẩu hàng năm rất lớn.
Đóng góp quan trọng vào thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc chính là nhờ kinh tế cửa khẩu. Hiện nay, Việt Nam với Trung Quốc có 19 cặp cửa khẩu.
Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cặp cửa khẩu với Trung Quốc rất sôi động. Tại Lạng Sơn, hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở tất cả các loại hình hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn lũy kế đến giữa tháng 7 đạt trên 32 tỷ USD. Con số này khẳng định vị trí cửa ngõ đặc biệt quan trọng của các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn trong giao thương biên mậu thời gian qua.
Trong đó, Hữu Nghị là cửa khẩu sôi động nhất. Thống kê từ Ban Quản lý cửa khẩu Lạng Sơn cho thấy, trung bình mỗi ngày, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện giải quyết thông quan cho trên 800 phương tiện; trong đó xuất khẩu khoảng trên dưới 200 xe, nhập khẩu khoảng 600 xe. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là hoa quả tươi, máy móc công nghiệp, đồ gia dụng tiêu dùng, linh kiện điện tử…
Lào Cai cũng là địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc qua các cặp cửa khẩu đạt con số ấn tượng. Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc với giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu ước đạt 1.574,46 triệu USD. Đây là mức tăng trưởng giá trị xuất nhập khẩu ấn tượng, với mức tăng đạt 64,20% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt giá trị cao, như: Sầu riêng tiếp tục khẳng định vị thế "vua trái cây", sầu riêng xuất khẩu qua Lào Cai tăng trưởng mạnh đạt trên 520 triệu USD, trung bình xuất khẩu với số lượng khoảng 70 – 100 xe hàng/ngày; thanh long đạt trên 60 triệu USD; chuối, mít, xoài, vải, dưa hấu và các loại trái cây khác cũng được xuất khẩu với số lượng đáng kể góp phần đa dạng hóa mặt hàng và nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản…
Tại Móng Cái (Quảng Ninh), hoạt động giao thương biên mậu, du lịch cũng tiếp tục sôi động, khởi sắc. Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm trên địa bàn Móng Cái đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng 17,85% so với cùng kỳ. Hoạt động giao thương biên mậu trên địa bàn Móng Cái luôn được đặc biệt quan tâm duy trì ổn định, tạo động lực thu hút đầu tư trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Đáng chú ý, để đẩy mạnh thương mại qua cửa khẩu, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đã thống nhất từ 1/9/2024, cửa khẩu Móng Cái sẽ thông quan thí điểm cả ngày lễ và ngày nghỉ trong 3 tháng.
Bên cạnh đó, hai bên cũng đã trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng công trình qua biên giới (cầu Sắt tại khu vực Km3+4 Hải Yên) để kết nối hạ tầng giao thông. Từ đó, từng bước nâng cấp thành cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế khi đây là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam - Trung Quốc và hai địa phương Móng Cái - Đông Hưng.
TP. Móng Cái đề nghị chính quyền nhân dân TP. Đông Hưng (Trung Quốc) giảm chi phí thông quan cho doanh nghiệp; tăng hiệu suất, thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng; áp dụng linh hoạt cơ chế kiểm soát hàng hóa tương đồng với các cặp cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai địa phương giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu hạn chế ùn tắc, tăng lưu lượng hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều (Việt Nam - Trung Quốc), giảm chi phí phát sinh lưu hàng hóa tại cửa khẩu.
Đẩy mạnh phát triển thương mại hai chiều
Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ còn nhiều triển vọng tăng tốc, nhờ cầu tiêu dùng theo thông lệ tăng cao dịp cuối năm, tập trung vào nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế.
Để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2023 phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, thời kỳ 2021 – 2030, sẽ mở, nâng cấp 08 cửa khẩu quốc tế, 09 cửa khẩu song phương, 17 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương và 01 lối mở/cửa khẩu đặc biệt. Đến năm 2050, mở, nâng cấp 04 cửa khẩu quốc tế, 05 cửa khẩu song phương. Dự kiến, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 31 cửa khẩu, trong đó có 18 cửa khẩu quốc tế, 13 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 01 lối mở/cửa khẩu đặc biệt. |
Trong khi đó, với nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương, như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang tạo cơ hội đáng kể cho hàng hóa Việt thâm nhập hơn nữa vào thị trường này.
Đặc biệt, hiện nay phí vận tải tàu biển tăng cao, căng thẳng thương mại với Mỹ, EU khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu. Trong đó, Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu.
Gần đây, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là rau quả chiếm tỷ trọng không lớn nhưng rất quan trọng trong thương mại song phương, và được các nhà lãnh đạo 2 nước đặc biệt coi trọng. Trung Quốc liên tục gia tăng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam.
Hiện, Trung Quốc đang xem xét các thủ tục mở cửa thị trường cho nhiều loại nông thủy sản cho Việt Nam, trong đó có trái dừa tươi, rau quả đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi… Các mặt hàng khác như dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được nước láng giềng tạo điều kiện nhập khẩu.
Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ ngành hàng, doanh nghiệp sang thị trường Trung Quốc luôn được coi trọng. Cùng với các đơn vị liên quan, Bộ Công Thương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, dỡ bỏ rào cản, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản sang Trung Quốc.
Xác định kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong thương mại song phương, các địa phương xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 15/8 cho biết, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8/2024. |