Lazada đầu tư kho hàng tại TP.Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu giao nhận nhanh cho khách hàng |
Sức ép cạnh tranh
Với số lỗ khoảng 150 tỷ đồng, website Lingo.vn đã tạm biệt thị trường vào tháng 8/2016 vừa qua. Trước đó, năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp (DN) TMĐT tại Việt Nam như Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn… đã phải đóng cửa vì không thể chịu nổi sức ép cạnh tranh đang ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, không ít các trang TMĐT do thua lỗ đã phải nhượng lại cho đối tác để tái cơ cấu. Tháng 4/2016, Rocket Internet - chủ sở hữu Zalora Việt Nam đã bán lại sàn này cho Central Group (Thái Lan). Cùng thời gian này, hãng TMĐT Trung Quốc Alibaba đã mua lại Lazada tại Đông Nam Á với trị giá 1 tỷ USD…
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) - cho biết, những DN rơi vào khó khăn phải đóng cửa trên thị trường TMĐT là quy luật bình thường. Đồng thời, các DN lớn cũng không thể chi phối hay lèo lái toàn thị trường, trong khi đó có các DN vừa và nhỏ vẫn có mức tăng trưởng nhất định, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thị trường.
Ông Alexandre Dardy - Giám đốc điều hành Lazada - nhận xét, việc một số trang TMĐT đóng cửa gần đây cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của sân chơi này, vì thế bản thân mỗi đơn vị kinh doanh trực tuyến phải liên tục cải tiến chất lượng hàng hóa, dịch vụ, giúp khách hàng có niềm tin vào hình thức mua sắm trực tuyến.
Đẩy mạnh liên kết, tăng tiện ích cho người dùng
Theo các DN, thách thức lớn nhất của TMĐT vẫn là xây dựng lòng tin với khách hàng. Ông Dardy thừa nhận, hiện Lazada bán trên 300.000 sản phẩm nên khó kiểm soát hết và tình trạng một số mặt hàng không bảo đảm chất lượng là khó tránh khỏi.
Để khắc phục, Lazada, Sendo.vn, muachung.vn hay 5giay.vn… ngoài kiểm soát gắt gao hơn với người bán còn thiết kế những chức năng hỗ trợ người bán, người mua có thể tương tác với nhau thuận tiện nhất.
Một số trang TMĐT khác thì làm việc với các ngân hàng, cổng thanh toán điện tử để giúp người tiêu dùng thực hiện giao dịch dễ dàng hơn. Chẳng hạn như Sen Đỏ cũng hợp tác với Visa và một số ngân hàng như Sacombank, Vietcombank, ACB…
Ông Sean Preston – Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào - cho hay, tốc độ phát triển của TMĐT tại Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Ví dụ từ Visa trong 8 tháng đầu năm nay số lượng mua sắm trực tuyến qua thẻ Visa đã tăng trưởng 53% so với cùng kỳ.
Công ty CP Dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt (VietUnion) với sản phẩm ví điện tử Payoo là đơn vị dẫn đầu thị trường trung gian thanh toán với tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt trên 1 tỷ USD/năm, vẫn không ngừng gia tăng các dịch vụ tiện ích và liên kết để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Ngô Trung Lĩnh - Tổng giám đốc VietUnion - cho hay, Payoo đã đẩy mạnh hợp tác với Vexere.com, Ticketbox, 123phim.vn, 123go.vn, Lazadeal.com, Muaban.net… để hỗ trợ cả người bán lẫn người mua.Với việc bắt tay này, 9 tháng đầu năm nay Payoo ghi nhận mức tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lĩnh cho rằng, thời gian tới thị trường sẽ dần định hình các nhà cung cấp dịch vụ chuyên trách cho từng nhóm dịch vụ thanh toán điện tử cụ thể như: Thanh toán cho TMĐT, thanh toán di động, thanh toán hóa đơn.
Với những nỗ lực cải thiện hàng hóa, chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho người sử dụng, các DN TMĐT kỳ vọng thời gian tới lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. |