Quản lý thị trường Long An xử phạt 20 cơ sở kinh doanh thuốc tân dược An Giang phát hiện 30.000 viên thuốc tân dược nhập lậu |
Trước tình trạng buôn bán thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ ngày càng nở rộ thời gian gần đây. Trước thực trạng trên, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, phòng, chống thuốc giả.
Truy cập các trang mạng xã hội,người tiêu dùng có thể dễ dàng mua nhiều loại từ thuốc thông thường đến thuốc đặc trị tại "chợ thuốc online" như: "Chợ thuốc Hapulico", "Chợ thiết bị y tế Hà Nội", "Chợ thuốc miền Bắc"… Chính việc mua - bán dễ dàng như vậy đã phát sinh nhiều vấn đề, khó kiểm soát, xử lý.
Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) kiểm tra và thu giữ số lượng lớn thuốc tân dược nghi bất hợp pháp |
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và thu giữ nhiều thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điển hình, ngày 11/8 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1(Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) đã đột xuất kiểm tra căn hộ tầng 18 thuộc tòa nhà Hanoi Center Point (số 27 Lê Văn Lương, Thanh Xuân. TP. Hà Nội). Kiểm tra thực tế, lực lượng quản lý thị trường ghi nhận 147.962 đơn vị thuốc các loại, chủ yếu là các mặt hàng thuốc kháng sinh Tavanic, chữa ung bướu Femera, chữa đau đầu Depakin, thuốc huyết áp Plavix, điều trị mỡ máu Crestor, trị tiểu đường các loại… do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Chủ lô hàng là ông N.A.T (sinh năm 1994, quê quán Đồng Nai) khai nhận, toàn bộ số thuốc trên không có hóa đơn, chứng từ và được mua trôi nổi xung quanh "chợ thuốc Hapulico" với giá rẻ rồi về bán lại kiếm lời...
Tại TP. Hồ Chí Minh, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh) đã tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh thuốc tân dược. Tại điểm chứa trữ hàng hóa đường Tô Hiến Thành (phường 13, quận 10), đoàn kiểm tra phát hiện 396 hộp thuốc tân dược không có tài liệu kèm theo, không rõ tình trạng chất lượng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, tổng trị giá hơn 89 triệu đồng. Tại điểm kinh doanh của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Khánh Phượng tại đường 100 Bình Thới (phường 14, quận 11) và chi nhánh công ty tại đường TA11, phường Thới An (quận 12), phát hiện 4.892 đơn vị sản phẩm thuốc tân dược và 13.750 đơn vị sản phẩm là vỏ hộp thuốc tân dược ngoại nhập các loại, chưa qua sử dụng, không hóa đơn, chứng từ, không có số đăng ký lưu hành, không có giấy phép nhập khẩu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, tổng trị giá hơn 300 triệu đồng.
Cục Quản lý Dược nhận định, việc sản xuất, buôn bán, sử dụng các loại thuốc trên gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng, gây bất an cho nhân dân và ảnh hưởng tới uy tín, quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh thuốc chân chính. Sở Y tế thành phố xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng như: Cơ quan công an, quản lý thị trường, hải quan, Ban Chỉ đạo 389 thành phố... tiến hành cao điểm thanh tra, kiểm tra; đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm Hà Nội tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng; báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan… Các cơ sở kinh doanh thuốc chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng phạm vi đã được cấp phép, chỉ kinh doanh, phân phối, sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh dược có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược…
Cục Quản lý Dược khuyến cáo, người sử dụng thuốc chỉ mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc hợp pháp, không mua - bán thuốc không rõ nguồn gốc, kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan. |