Thuốc giả, tác hại thật |
Thuốc và thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng không chỉ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính.
Đối với nhóm sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng, số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy: Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 60 vụ giả mạo về chất lượng công dụng; 357 vụ giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; 34 vụ tem, nhãn bao bì hàng hóa giả; 162 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 982 vụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thu giữ thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ |
Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường), nguyên nhân chính khiến tình trạng thuốc và thực phẩm chức năng giả hoành hành do lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với nhóm hàng này rất lớn. Bên cạnh đó, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc trên các chợ mạng.
Bà Nguyễn Diệu Hà - Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam - bày tỏ lo ngại vì công nghệ "làm giả cả tem chống hàng giả và còn đẹp hơn cả tem thật". Nhiều năm qua, số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Trong đó, đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng.
Thuốc giả, thực phẩm chức năng giả ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người. Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, cần khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường. "Có những vụ việc, mặc dù có sự tham gia của ngành y tế, nhưng việc xác định thuốc giả như trong vụ án VN Pharmar kéo dàng hàng năm mới đưa ra được kết luận, tòa án mới có thể đưa ra được kết luận đó là sản phẩm làm giả về cả chất lượng lẫn nguồn gốc xuất xứ" - ông Nguyễn Đức Lê dẫn chứng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - chia sẻ: Hành vi làm giả thuốc, thực phẩm chức năng diễn ra dưới nhiều hình thức với quy mô, tính chất khác nhau. Được cung cấp thông tin chính xác về hàng hóa là một trong 8 quyền của người tiêu dùng; lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo là một trong 8 hành vi bị cấm, được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, hàng hóa là một trong những hành vi bị cấm theo quy định của Luật Quảng cáo.
Trên thực tế, những quảng cáo gây nhầm lẫn, không phải hiếm gặp. Đã từng có trường hợp khi bị cơ quan chức năng phát hiện, cửa hàng kinh doanh đã chuyển địa điểm sang thành phố khác, mang tên pháp nhân, tên sản phẩm khác... Do vậy, ông Hùng kiến nghị, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, phát hiện, xử lý kịp thời và đúng pháp luật các hành vi vi phạm. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần bảo đảm các quyền của người tiêu dùng và người tiêu dùng chỉ nên mua thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cần có tư vấn khi sử dụng.
Bên cạnh việc nỗ lực đấu tranh chống hàng giả của các lực lượng chức năng, việc doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm nâng cao ý thức toàn dân là một giải pháp hữu hiệu.
PGS.TS LÊ VĂN TRUYỀN - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế: Thuốc giả là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành công nghiệp dược. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), quy mô thị trường thuốc giả từ năm 2020 đã lên tới 80 tỷ USD. |