Nhiều sim số đẹp đã được đăng ký chính chủ nhưng vẫn bị rao bán.
CôngThương - Từ khi chuyển sang dùng số điện thoại mới được hơn một năm nay, chị Như (Đống Đa, Hà Nội) liên tục bị các thuê bao lạ nháy máy. Ban đầu, chị tưởng họ nhầm số. Tuy nhiên, lần gần đây, khi gọi lại cho một số máy nháy đến và gặng hỏi thì chị Như được biết, thuê bao của mình đang bị rao bán tại một siêu thị sim. Lên mạng tìm hiểu thì chủ thuê bao này thấy không chỉ một mà rất nhiều nơi đăng tin bán số điện thoại của chị. Có nơi mức giá bán được hét lên tới gần 10 triệu đồng, gấp rưỡi giá chị mua. "Là số tam hoa nên khi mua, tôi cũng mất đến tiền triệu. Do đó, tôi đã đi đăng ký chính chủ cho số điện thoại này mà không ngờ vẫn dính chuyện phiền phức như thế", chị Như than thở.
Lý giải về điều này, anh Phong (Tôn Thất Tùng, Đống Đa) dân buôn sim lâu năm cho biết, thường một người làm nghề kỳ cựu sẽ xây dựng cho mình đội ngũ chân rết bán hàng rất đông. Mỗi người trong số này đều được cung cấp một danh sách số điện thoại. "Vì thế, nhiều thuê bao đã được người này bán mà chưa kịp cập nhật để người kia biết nên vẫn còn trong danh sách. Do đó, những số điện thoại này vẫn tiếp tục bị rao bán. Tuy nhiên, chính người đăng tin cũng không chắc chắn là thuê bao đã được bán hay chưa", anh Phong lý giải.
Mới mua một số điện thoại với giá 15 triệu đồng cách đây 2 tháng và đã đăng ký chính chủ nhưng anh Duy (Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân) cũng gặp trường hợp tương tự chị Như. "Không ít lần, tôi vừa nhấc máy thì người đầu dây bên kia hỏi, anh bán số điện thoại này à, bao nhiêu tiền? Vài lần còn bị nháy máy đêm nên dạo này trước khi đi ngủ tôi hay tắt điện thoại để không bị làm phiền", anh Duy kể.
Gần đây, để tìm mua thêm một số điện thoại mới, anh Hải (Từ Liêm) liên hệ với một siêu thị sim tại Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân. Chủ siêu thị chuyển anh một danh sách số để chọn. Khi đưa danh sách, anh này không quên hướng dẫn, ưng số nào thì phải nháy thử để xem số đó còn không. Số nào báo không đúng hoặc tạm khóa là chưa bán.
Anh Hải làm như chủ siêu thị sim hướng dẫn thì rất nhiều số điện thoại trong danh sách có chuông đổ. "Khi họ nhấc máy hoặc gọi lại, tôi phải nói tránh là gọi nhầm số. Đôi khi gặp những người khó tính, họ mắng té tát. Đa số họ đều bảo số điện thoại đó đã dùng từ rất lâu rồi", anh Hải cho hay. Anh nhận định, có thể đây là một chiêu câu khách của các chủ buôn.
Tuy nhiên, anh Long (Đại La), một chủ buôn cho rằng, hiện sim số đẹp vẫn tồn rất nhiều nên không nhất thiết phải dùng chiêu này để câu khách. Có một trang web để bán sim đẹp, tại đây, anh Long đăng những số trong kho của mình và nhiều đầu mối khác. Theo anh, mỗi ngày có rất nhiều sim số đẹp được bán buôn và lẻ. Tuy nhiên, trên web, nhiều lúc anh chỉ kịp cập nhật những số mới, còn những sim đã bán không kịp xoá nên có khách vẫn hỏi.
"Do đó, chúng tôi chỉ còn cách hướng dẫn khách hàng tự kiểm tra bằng cách nháy máy vào số muốn mua. Nếu có tiếng báo tít tít, đang tạm ngừng liên lạc, tạm khóa hoặc báo không đúng... là thuê bao này vẫn chưa được bán", chủ buôn này cho biết.
Tuy nhiên, đa số khách hàng cho rằng, nếu thuê bao của họ tiếp tục bị rao bán trên rất nhiều trang web rao vặt, siêu thị sim số thì không biết họ còn bị làm phiền đến khi nào.