TFA được WTO thông qua năm 2013, nhằm xóa bỏ các rào cản truyền thống, rào cản phi thuế quan đối với thương mại, đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục liên quan đến thương mại, đặc biệt là các thủ tục XNK hàng hóa và quản lý biên giới.
Các cam kết cụ thể về nghĩa vụ của các nước thành viên qui định trong TFA (từ Điều 1 đến Điều 12 của Phần I hiệp định) trên cơ sở rà soát thực tiễn quản lý của nước thành viên, được phân thành 3 nhóm cam kết, gồm: Nhóm A - thực hiện ngay sau khi TFA có hiệu lực; Nhóm B - thực hiện sau một thời gian quá độ tính từ khi TFA có hiệu lực; Nhóm C - cần một thời gian quá độ tính từ khi TFA có hiệu lực và và hỗ trợ xây dựng năng lực để thực hiện.
Sau khi TFA có hiệu lực (tháng 2/2017), Việt Nam đã tích cực thực thi. Đối với các cam kết Nhóm A, thực chất Việt Nam đã hoàn toàn tuân thủ và đang tiếp tục triển khai cùng với tiến trình cải cách, hiện đại hóa lĩnh vực hải quan. Cụ thể, những cam kết liên quan đến tiếp cận thông tin và minh bạch; cơ chế khiếu nại; giải phóng nhanh hàng hóa; xử lý hồ sơ trước khi hàng đến; tự do quá cảnh… Đối với các cam kết Nhóm B, C, Chính phủ đã phê duyệt lộ trình thực hiện (14 cam kết Nhóm B và 9 cam kết Nhóm C) và thông báo tới WTO từ tháng 8/2018. Ngoài ra, nhiều qui định pháp luật có liên quan đến thực thi TFA đã được ban hành, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp yêu cầu đặt ra.
Đẩy mạnh quản lý rủi ro và cải cách kiểm tra chuyên ngành để thực thi tốt TFA. Ảnh minh họa |
Các đánh giá, nhận định về TFA cho thấy, nếu các cam kết được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, sẽ góp phần giúp thương mại toàn cầu tăng trưởng thêm 1.000 tỷ USD mỗi năm, giảm khoảng 14,3% chi phí giao dịch; tiết kiệm khoảng 1,5 ngày (giảm 47% so với chưa thực thi TFA) thời gian thông quan hàng nhập khẩu, tiết kiệm khoảng 2 ngày (giảm 91%) thời gian thông quan hàng xuất khẩu. |
Đánh giá tình hình thực thi TFA của Việt Nam kể từ khi có hiệu lực đến nay, ông Alistair Gall - Chuyên gia cấp cao của Dự án Tạo thuận lợi thương mại (do USAID Hoa Kỳ tài trợ), nhận xét: Việt Nam đã thực hiện được nhiều nội dung đổi mới và sáng kiến để hợp lý hóa các thủ tục XNK. Đến thời điểm này, Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ 25 điều khoản và điều khoản con của TFA và dự kiến thực hiện tiếp điều khoảng thứ 12. Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện khoảng 74% các cam kết TFA, chỉ còn khoảng 13 điều khoản hoặc điều khoản con cần tiếp tục triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đại diện USAID cũng cho rằng, Việt Nam vẫn cần có sự hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo thực hiện kịp thời TFA và áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất. Một trong những điều khoản quan trọng của TFA mà Việt Nam chưa tuân thủ đầy đủ, đó là “quản lý rủi ro”. Theo ông Alistair Gall, Tổng cục Hải quan Việt Nam dù đã có nhiều tiến bộ áp trong dụng các biện pháp kiểm soát dựa trên rủi ro, song Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều lợi ích hơn nếu mở rộng quản lý rủi ro tích hợp sang các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan khác.
Theo Trung tâm WTO, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực thi TFA cũng đã và đang đặt ra khó khăn, thách thức với Việt Nam. Lý do, bởi năng lực cán bộ và trình độ công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được toàn bộ yêu cầu đổi mới và cải cách theo TFA. Đặc biệt là cải cách các thủ tục liên quan đến thương mại biên giới, đòi hỏi sự tham gia không chỉ có cơ quan hải quan mà cả các cơ quan quản lý chuyên ngành khác. Đây là một thách thức đáng kể khi mức độ đồng bộ hóa hạ tầng công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, năng lực cán bộ của mỗi cơ quan chức năng có liên quan đến vấn đề này là khác nhau.
Đại diện Trung tâm WTO, cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải tiếp tục rà soát và hoàn thiện pháp luật liên quan đến cam kết TFA, nhất là pháp luật về kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho XNK hàng hóa; thực hiện hiệu quả hơn Cơ chế một cửa quốc gia để tối ưu hóa tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, thu hẹp danh mục kiểm tra chuyên ngành, chấm dứt tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK...