Cần kế hoạch hành động cụ thể
Phát biểu tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2022, ngày 14/1, với chủ đề: “Phục hồi & Bứt tốc tăng trưởng: Từ chính sách kích thích kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2021 vừa khép lại với nhiều khó khăn và thách thức chưa từng có tiền lệ đối với nền kinh tế và xã hội. Năm qua, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực không ngừng để thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng chống dịch Covid-19, vừa gồng mình tìm mọi phương cách để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và giữ ổn định nhịp sống kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Cụ thể, tổng kết năm 2021, Việt Nam đã đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Kinh tế vĩ mô ổn định với tăng trưởng đạt mức 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp: 1,84% (tính theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm); thương mại hàng hoá tăng cao với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; cán cân thương mại thặng dư với xuất siêu đạt 4 tỷ USD; đầu tư nước ngoài phục hồi với mức tăng trên 9%. Chính trị, xã hội ổn định; công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn |
“Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta năm 2021 cho thấy nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò là trụ đỡ; công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế; môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế ngày càng được củng cố” – ông Sơn khẳng định.
Năm 2022, Việt Nam không chỉ phải vượt qua những khó khăn, thách thức mang tính ngắn hạn mà còn phải tạo dựng được nền tảng cho phát triển của nền kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn, đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 2021-2030 và trước hết là trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 2021-2025.
Đứng trước yêu cầu đó, ông Sơn cho biết: Bộ Chính trị đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023.
Theo đó, kỳ họp bất thường của quốc hội khóa XV mới đây đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước tới nay, gần 350 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu là phục hồi phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.
“Tư tưởng đã thông và thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương; quyết tâm chính trị đã cao, điều cần thiết bây giờ chính là kế hoạch hành động cụ thể để thực thi hiệu quả, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra; tăng cường công tác quản trị và theo dõi, giám sát quá trình thực thi, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách” – ông Sơn nhấn mạnh.
Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm
Trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này, để đáp ứng yêu cầu và nhu cầu phục hồi kinh tế - xã hội sau những tác động nghiêm trọng kéo dài của đại dịch covid-19, Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội, đặc biệt về gói kích thích kinh tế gần 350 nghìn tỷ đồng được các chuyên gia đánh giá sẽ là "lực đẩy" quan trọng giúp doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hướng tới các mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm 2022.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay: Quốc hội đã thông qua các chính sách tài khoá và tiền tệ, trên cơ sở chính sách này thì Chính phủ cần cụ thể hoá chính sách tiền tệ, ban hành chương trình phục hồi phát triển kinh tế chi tiết.
"Quy mô Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội gần 350.000 tỷ đồng, điểm quan trọng trong quá trình thảo luận là phạm vi quy mô đối tượng như thế nào. Chúng ta phải hiểu hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm chứ không dàn trải. Sẽ có nhiều người hỏi, tại sao lại không hỗ trợ doanh nghiệp lớn, mà chúng ta phải hiểu, gói này chỉ tập trung vào những doanh nghiệp bị tác động lớn, khó khăn do Covid-19"- ông Hiếu nêu quan điểm.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Theo ông Hiếu, quan trọng nhất là chương trình có thời hạn, các chính sách này bổ sung chứ không thay thế bất kỳ một chương trình hay Nghị quyết nào, không thay thế các nhiệm vụ mà Chính phủ phải thực hiện trong nhiệm vụ thường xuyên của mình. Thời gian thực hiện trong vòng 2 năm.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra, có hai tác động Covid-19 nghiêm trọng mà buộc ta phải hành động đó là Covid-19 làm suy thoái, bộc lộ điểm yếu hạ tầng y tế xã hội, chúng ta buộc phải khắc phục ngay.
Hai là, "sức khoẻ" doanh nghiệp bị bào mòn, nếu không hỗ trợ bổ sung thì doanh nghiệp khó phục hồi và sẽ tiếp tục rút khỏi thị trường. Vì vậy, nhóm giải pháp nhiệm vụ tập trung vào doanh nghiệp là quan trọng.
Ông Hiếu cũng khuyến nghị, với chính sách tài khoá, được chia ra từng chương mục, trong đó gồm giảm 2% thuế VAT với nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp mức thuế VAT 10%, trừ ngân hàng, tài chính, chứng khoán và bất động sản. Bên cạnh đó, chi cho đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp hiện đại hoá hệ thống y tế khoảng 14.000 tỷ đồng trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
"Chúng ta cần thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội hướng đến mở cửa bền vững chứ không phải mở rồi đóng, mở cửa là phải mở bền vững. Tiếp theo là hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong đó có 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất 2% một năm và 300 tỷ phát triển du lịch" - ông Hiếu phân tích.
Về chính sách tiền tệ, sẽ giảm lãi suất tối thiểu 0,5% - 1% trong hai năm. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19, chi 46.000 tỷ đồng từ nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế.
Ông Hiếu cho rằng, việc lần đầu tiên Quốc hội họp Bất thường đưa ra Nghị quyết là rất khẩn trương nhưng mong muốn Chính phủ cũng sớm ban hành giải pháp cụ thể về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và phải khẩn trương quyết liệt.
Đối với doanh nghiệp, theo ông Hiếu, quan trọng nhất là khả năng hấp thụ của doanh nghiệp. Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, nhưng tất cả hiệu quả chương trình sẽ nâng lên nếu doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, có phương thức kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới.
Và đặc biệt là sự giám sát của các bên liên quan gồm các đơn vị như Mặt trận tổ quốc, người dân, càng minh bạch càng tốt, tạo ra cơ hội giám sát sẽ để cho chương trình đi đúng ngay từ đầu.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã chia sẻ những quan điểm về các kịch bản kinh tế Việt Nam, những định hướng, cơ hội và thách thức cũng như đưa ra các giải pháp về sự phục hồi và bứt phá cho các ngành kinh tế, các doanh nghiệp, các địa phương, vốn đang là những lực lượng nòng cốt và xung kích nhất của nền kinh tế.