Thừa Thiên Huế thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai Gia Lai: Đôn đốc làm rõ trách nhiệm chậm giải ngân Quỹ phòng chống thiên tai |
Mới đây trên mạng xã hội Facebook, nhiều ý kiến quan tâm đến thông tin cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hơn 2.000 tỉ đồng Quỹ phòng chống thiên tai và việc công khai sử dụng, chi quỹ này như thế nào là một ẩn số.
Cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của tại Yên Bái. (Ảnh: Y.B) |
Về vấn đề này, ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, Quỹ phòng chống thiên tai là quỹ ngoài ngân sách nhà nước, tiền thân của quỹ phòng chống thiên tai là quỹ phòng chống lụt bão được thành lập từ năm 1997 theo Nghị định 50-CP ngày 10/5/1997 của Chính phủ.
Nguồn thu chủ yếu của Quỹ phòng chống thiên tai là thu của người dân và doanh nghiệp ở trên địa bàn các tỉnh để thực hiện hỗ trợ công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại chính địa phương đó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, tính đến 20/9/2024, 63/63 tỉnh, thành phố thu được 5.925 tỉ đồng, chi 3.686 tỉ đồng, kết dư Quỹ 2.263 tỉ đồng. Quỹ còn tồn này có thể chuyển sang năm và những năm tiếp theo nếu như các địa phương không chi hết.
Số tiền quỹ còn tồn thì các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Quỹ này hết sức hiệu quả cho công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Ví dụ như Hải Phòng trước bão số 3 trong quỹ tồn 70 tỉ đồng, trong và sau bão thì Hải Phòng quyết định chi hơn 50 tỉ đồng cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão. Hay như Lào Cai còn tồn trên 5 tỉ đồng thì tỉnh đã quyết định hòa cùng với nguồn của Mặt trận Tổ quốc để cứu trợ ngay người dân ở vùng bị thiên tai, các tỉnh khác cũng vậy.
Cũng theo ông Phạm Đức Luận, nguồn Quỹ này phần lớn tồn ở các tỉnh, thành tập trung đông dân cư, doanh nghiệp như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, TP.Hà Nội… thu Quỹ nhiều nhưng lại ít chịu ảnh hưởng thiên tai. Còn các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa mà thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai thì thu được rất ít hoặc còn tồn Quỹ rất ít.
Liên quan đến câu hỏi tại sao không điều chuyển hơn 2.000 tỉ đồng này cho các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua? Ông Phạm Đức Luận cho hay, Nghị định số 78/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai có quy định thành lập Quỹ phòng chống thiên tai trung ương với mục đích xem xét điều chuyển một quỹ còn tồn nhiều ở các tỉnh, thành phố về quỹ trung ương và căn cứ trên tình hình thiên tai thực tế thì Thủ tướng xem xét quyết định điều chuyển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Chính phủ được giao) đã thành lập Quỹ phòng chống thiên tai trung ương, tuy nhiên do vướng mắc về mô hình hoạt động Quỹ trung ương nên đến nay vẫn chưa hoạt động được.
Do vướng mắc về mô hình hoạt động (Công ty TNHH một thành viên) nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo và được Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định 78/2021/NĐ-CP. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo và trình Chính phủ vào quý IV/2024.
Còn hiện nay, theo quy định của Nghị định 78/2021/NĐ-CP thì việc chuyển Quỹ phòng chống thiên tai từ tỉnh này sang tỉnh khác thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh vì các tỉnh thu để phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không có thẩm quyền điều chuyển Quỹ này.
“Từ khi thành lập đến nay, do vướng mắc về mô hình hoạt động nên đến nay Quỹ trung ương vẫn chưa hoạt động được, do vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không quản lý một đồng Quỹ phòng chống thiên tai này. Số Quỹ tồn hơn 2.000 tỉ đồng là do UBND 63 tỉnh, thành phố quản lý. Việc công khai thu chi Quỹ này sẽ do chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm”, ông Phạm Đức Luận nhấn mạnh và cho biết, tới đây, Bộ cũng sẽ có đề nghị các địa phương còn tồn dư Quỹ phòng chống thiên tai nhiều xem xét nếu có thể hỗ trợ thì chuyển cho các địa phương khó khăn để khắc phục hậu quả thiên tai.
Trước đây, khi xây dựng Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến các tỉnh, thành phố thì các địa phương thấy hoàn toàn cần thiết để duy trì Quỹ này. Hiện nay, người dân và doanh nghiệp đóng góp Quỹ phòng chống thiên tai rất nhỏ và Quỹ này lại được sử dụng trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp ở địa phương đó. Ông Luận cũng nhấn mạnh, Quỹ phòng chống thiên tai hết sức hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh ngân sách chưa đảm bảo.
Ngày 18/9, Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi kiến nghị tới Chính phủ đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão Yagi vừa qua. Trong đó, VCCI đề xuất, Chính phủ chỉ đạo chi Quỹ Phòng chống thiên tai để cứu trợ, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. |