Thực hư câu chuyện 'thuế độc thân' và những ý kiến trái chiều
Trong tuần qua, các trang mạng xã hội đang nóng dần trước tin đồn về một loại “thuế độc thân”, sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, khi trả lời kiến nghị về giải pháp cải thiện tỷ lệ sinh vùng đô thị, Bộ trưởng đã dẫn Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 về việc “từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn”.
Bộ trưởng Y tế Bộ trưởng Đào Hồng Lan Ảnh: Vietnamnet |
Ngay sau đó, thông tin về một loại “thuế độc thân” đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ lo ngại. Dưới một bài viết trên Facebook bàn về loại “thuế” này, một tài khoản mang tên Trung Hieu Nguyen đã bình luận: “Cảm thấy vi phạm quyền con người. Ai cũng có quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Tự do không vi phạm pháp luật và hạnh phúc cứ không phải là kết hôn hay sinh con như theo số đông. Đánh thuế hay tăng hình phạt không khác gì chà đạp lên quyền con người cơ bản”.
Tương tự, một tài khoản Nguyễn Linh chia sẻ: “Người độc thân không được miễn giảm người phụ thuộc khi tính thuế thu nhập cá nhân (trừ khi nuôi dưỡng bố mẹ hoặc người thân mất khả năng lao động) đã phải đóng thuế nhiều hơn so với người có con. Giờ còn đẻ thêm thuế độc thân thì khác gì thuế chồng thuế?”.
Còn tài khoản Nguyễn Thủy nói: “Muốn người ta không độc thân nữa thì cứ giải quyết các vấn đề cơm áo gạo tiền của gia đình đi. Chứ đánh thuế mà các cái khác vẫn thế thì người ta thà chấp nhận đóng thuế sống độc thân còn hơn. Vất vả, khổ quá ai buồn.”
Trên thực tế, luật pháp Việt Nam đến nay vẫn chưa hề có bất kì định nghĩa, hay quy định nào về một loại “thuế độc thân”. Cụm từ “thuế độc thân” cũng không hề xuất hiện trong quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt “Chương trình Điều chỉnh Mức sinh Phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”.
Đáng lưu ý, những quốc gia đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh sụt giảm như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, cũng không hề ra quy định về một loại "thuế độc thân" nào. Thay vào đó, các quốc gia này đang tập trung vào việc cải thiện các chính sách an sinh xã hội và tăng trợ cấp cho các cặp vợ chồng nuôi con nhỏ.
Tiêu biểu là /chu-de/nhat-ban.topic, từ năm 2010, Chính phủ nước này đã thông qua đạo luật Kodomo Teate, mà qua đó, mọi trẻ em sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng là 13.000 yen (tương đương khoảng 2,2 triệu đồng) từ lúc sinh đến năm 15 tuổi. Vào tháng 6 năm nay, độ tuổi được hưởng trợ cấp đã được nâng lên thành 18 tuổi, và mức hỗ trợ đối với trẻ em là con thứ 3 trong gia đình đã được nâng lên là 30.000 yen (tương đương 5,1 triệu đồng).
Một người phụ nữ và em bé trong công viên tại thành phố Tokyo, Nhật Bản Ảnh: Getty Image |
Hàn Quốc cũng là quốc gia khác cũng đang đẩy mạnh chi tiêu ngân sách để khuyến khích sinh nở. Kể từ tháng 4 năm 2022, chính phủ Hàn Quốc đã trao các phiếu mua hàng trị giá 2 triệu won (khoảng 37,7 triệu đồng) cho các bậc cha mẹ sinh con đầu lòng, và các phiếu mua hàng 3 triệu won (khoảng 56,6 triệu đồng) cho mỗi đứa trẻ được sinh ra tiếp theo. Với mỗi trẻ sơ sinh dưới một tuổi, cha mẹ Hàn Quốc cũng được chính phủ trợ cấp hàng tháng số tiền là 1 triệu won (khoảng 18,8 triệu đồng).
Còn tại Trung Quốc, Chính phủ nước này mới đây cũng đã đặt mục tiêu giảm chi phí sinh nở, chi phí nuôi dạy con cái và chi phí giáo dục, qua đó thúc đẩy phát triển dân số cân bằng, lâu dài. Trung Quốc cũng sẽ tinh chỉnh các chính sách nghỉ phép của cha mẹ trẻ sơ sinh, cải thiện cơ chế chia sẻ chi phí lao động của người sử dụng lao động, và tăng nguồn cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em trong thời gian tới.
Thực tế, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, và việc cải thiện an sinh xã hội đã và đang đóng vai trò quan trọng trong chính sách dân số của nước ta. Chính quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 cũng đã đã đề ra một số chính sách cho các gia đình nuôi con nhỏ như: Thí điểm, nhân rộng các mô hình đưa đưa, đón, trông giữ trẻ; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình; xây dựng chính sách về mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình...
Tuy vậy, kinh nghiệm thực tế từ Hàn Quốc cho thấy, chỉ chính sách an sinh xã hội là chưa thật sự đầy đủ. Kể cả với những khoản trợ cấp từ chính phủ, ngày càng có một lượng lớn phụ nữ Hàn Quốc nói rằng họ sẽ không kết hôn và không lập gia đình. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến quyết định này là do định kiến và áp lực về giới, khi phụ nữ Hàn Quốc vừa phải gánh trọng trách chăm lo cho con cái, cha mẹ; vừa phải đối mặt với áp lực mưu sinh và thái độ trọng nam, khinh nữ tại nơi công sở.
Phụ nữ Hàn Quốc tại một buổi biểu tình phản đối kết hôn và phân biệt giới tính Ảnh: Security Distillery |
Quả thật, giải quyết vấn đề già hóa dân số không phải là một nhiệm vụ đơn giản và yêu cầu nhiều cách tiếp cận khác nhau. Mặc dù các giải pháp như tăng cường trợ cấp hay thậm chí là áp dụng “thuế độc thân” có thể mang lại hiệu quả ban đầu, nhưng chúng sẽ không thể bền vững, nếu ta không giải quyết được nguyên nhân sâu xa đằng sau lựa chọn độc thân của nhiều phụ nữ Việt Nam.
Giống như phụ nữ Hàn Quốc, phụ nữ Việt Nam cũng đang phải đối mặt với áp lực lớn từ nhiều phía, bao gồm cả gia đình, nơi làm việc và xã hội. Để giảm bớt gánh nặng này, ngoài những chính sách an sinh xã hội, cần phải tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền và giáo dục về bình đẳng giới. Việc nam giới cùng chia sẻ gánh nặng gia đình với nữ giới sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững về mặt dân số, và đảm bảo một tương lai an toàn, hạnh phúc cho con em chúng ta.