Trải qua 28 năm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng đi vào cuộc sống Bảo hiểm Xã hội Việt Nam dẫn đầu về tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia năm 2022 |
Trong hai ngày 24-25/4/2023, tại TP Cần Thơ, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, truyền thông khu vực phía Nam.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, năm 2022 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn đối với ngành BHXH Việt Nam: Những tàn dư của dịch Covid-19; một số thay đổi liên quan tới mức đóng BHXH tự nguyện, điều chỉnh chính sách khiến nhiều người dân không thuộc diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ... trong khi đó, chỉ tiêu nhiệm vụ cao hơn nhiều so với năm 2021.
Tuy nhiên, với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và trách nhiệm, Phó Tổng Giám đốc ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của BHXH các địa phương trong việc chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của ngành đối với công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT. Công tác truyền thông là một trong những “điểm sáng” góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành.
Kết quả, số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 1,08% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ. Đặc biệt, số người tham gia BHYT đạt 92,04% dân số (91,074 triệu người), vinh dự là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhận định, nhiệm vụ của ngành trong năm 2023 và những năm tiếp theo là hết sức to lớn và nhiều thách thức, vừa phải giữ vững kết quả đã đạt được, đồng thời phải thực hiện có hiệu quả lộ trình BHXH, BHYT toàn dân với chỉ tiêu nhiệm vụ năm sau luôn cao hơn năm trước.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ông Đào Việt Ánh đã yêu cầu toàn ngành cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh truyền thông. Truyền thông chính sách BHXH, BHYT phải tiếp tục có những đổi mới mang tính bước ngoặt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn ngày càng cao.
Đặc biệt, theo ông Đào Việt Ánh, để xứng đáng là “chìa khóa”, đem giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT đến với các tầng lớp nhân dân, các đơn vị trực thuộc liên quan và BHXH các địa phương cần nâng cao hơn nữa nhận thức, vị trí, tầm quan trọng của công tác thông tin, truyền thông trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền.
Cùng với đó là đa dạng các hình thức truyền thông phù hợp với đặc thù vùng miền như: Sản xuất các sản phẩm truyền thông (file phát thanh, tờ rơi, tờ gấp,…) bằng tiếng dân tộc; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng có đạo.
Tại Hội nghị, lãnh đạo và cán bộ trực tiếp làm công tác truyền thông của BHXH các địa phương được cung cấp, trang bị, cập nhật những nội dung, kỹ năng cần thiết, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong truyền thông chính sách.