Mở rộng đối tượng tiêm chủng
Để tạo miễn dịch cộng đồng, cả nước đã chính thức bước vào chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất. Chiến dịch được triển khai từ tháng 7/2021 - 4/2022 tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến. Riêng trong tháng 7/2021, sẽ tổ chức tiêm khoảng 8,7 triệu liều vắc xin, phấn đấu đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 tiêm cho khoảng 75 triệu người.
Tối thiểu 50% người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2021 |
Nguyên tắc đặt ra trong chiến dịch: Triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; sử dụng đồng thời các loại vắc xin đủ điều kiện từ những nguồn cung ứng khác nhau, để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân; bảo đảm tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn để tránh lãng phí.
Trong kế hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ: Đối tượng tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó có 2 nhóm đối tượng được ưu tiên là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế và 4 nhóm tỉnh, thành phố: Các tỉnh/thành phố đang có dịch; tỉnh/thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; tỉnh/thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.
Kế hoạch này sẽ được cập nhật theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vắc xin. Nhiều tổ chức quốc tế đã nhận xét, chiến dịch tiêm chủng vắc xin có quy mô toàn quốc của Việt Nam nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, thể hiện sự đoàn kết, nhân ái để không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch.
Đảm bảo an toàn, hiệu quả
Tính đến ngày 14/7, cả nước có khoảng 4,08 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm chủng. Trong số người đã tiêm, khoảng 14% có phản ứng sau tiêm, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới.
Trước diễn biến phức tạp, khó dự báo và một số tỉnh nguy cơ cao có thể bùng phát bất kỳ khi nào, ở bất cứ đâu, việc tiêm vắc xin + 5K đến thời điểm này vẫn được đánh giá là biện pháp hiệu quả, cần thiết, quan trọng, để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, hệ thống y tế cần tiếp cận đa dạng nguồn vắc xin, tránh tâm lý chờ đợi, lựa chọn, có loại nào dùng ngay loại đó, trên tinh thần kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Về vấn đề bảo đảm an toàn cho người dân khi tiêm, trong kế hoạch tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế quy định: Thời gian vận chuyển vắc xin đến điểm tiêm chủng không quá 3 ngày sau khi có giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin; việc tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển tại tất cả tuyến theo từng khoảng thời gian khác nhau với các loại vắc xin có điều kiện bảo quản khác nhau. Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ âm, âm sâu hoặc có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C như Pfizer, Moderna hay Janseen. Nếu vắc xin đã bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C sẽ không bảo quản trở lại ở nhiệt độ âm. Còn với vắc xin bảo quản ở nhiệt độ -25 đến15 độ C như vắc xin Sputnik V dạng đông lạnh, sau khi rã đông, vắc xin không dùng hết phải hủy bỏ theo quy định.
Bộ Y tế phải chủ động làm tốt vai trò đầu mối tiếp cận các nguồn vắc xin, quản lý chất lượng vắc xin bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, không để cạnh tranh giữa Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đàm phán, mua vắc xin; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc mua và cung cấp vắc xin; ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai nhanh nhất, hiệu quả, an toàn nhất chiến dịch tiêm vắc xin để chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, trưởng Ban an toàn tiêm chủng Bộ Y tế - đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của mỗi con người. Để đảm bảo công tác tiêm chủng, ngành y tế phải nỗ lực từng khâu, giám sát chặt chẽ việc bảo quản, vận chuyển vắc xin để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng, hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có). Cán bộ y tế phải thực hiện đúng hướng dẫn chuyên môn, quan tâm đến công tác xử trí, cấp cứu, đảm bảo tiêm mũi nào an toàn mũi tiêm đó.
Cả nước hiện có 8 kho bảo quản vắc xin tại Bộ Tư lệnh Thủ đô và 7 Quân khu, trong đó TP. Hồ Chí Minh và 8 địa phương khác bảo quản vắc xin tại kho của Quân khu 7. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).