Rủi ro quyền con người
Hầu hết các quyền con người đều có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Hoạt động của doanh nghiệp có thể tác động cả tích cực, tiêu cực đến nhiều người, bao gồm khách hàng, nhà cung cấp, người lao động cũng như cộng đồng.
Thực tế ngày càng có nhiều bằng chứng về các giá trị kinh tế, văn hóa… của doanh nghiệp có được là nhờ việc đưa quyền con người vào thực hành trong chiến lược kinh doanh của mình. Nếu vấn đề này không được doanh nghiệp chú trọng, có thể sẽ phát sinh những chi phí đáng kể phải bỏ ra để khắc phục các rủi ro vi phạm về quyền con người. Tôn trọng quyền con người, không chỉ quản lý tốt các rủi ro về quyền con người, mà còn có thể tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, bao gồm khả năng tiếp cận thị trường vốn, nhà cung cấp và người tiêu dùng, bởi xu hướng phát triển bền vững là hướng tới hiện đại, văn minh, vì con người.
Hội thảo Thực hành Kinh doanh có trách nhiệm ngành may mặc và da giầy... Ảnh NQ |
May mặc và da giầy là 2 ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động. Đại dịch Covid-19 tác động ảnh hưởng đã khiến nhiều lao động trong ngành may mặc và da giầy bị mất việc làm, cuộc sống khó khăn. Hoạt động của 2 ngành này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về quyền con người. Bởi theo thống kê, có tới 80% lao động trong 2 ngành may mặc và da giầy là phụ nữ, phần lớn trong số họ đều di cư từ nơi khác đến và chưa được tham gia các hình thức đào tạo nghề. Đây là nhóm những đối tượng dễ bị tổn thương về quyền con người do sự phân biệt đối xử, bóc lột, lạm dụng, sử dụng lao động trẻ em…
Kinh doanh có trách nhiệm: Buộc phải làm
Những rủi ro về quyền con người trong hoạt động của doanh nghiệp có thể gặp phải, đó là phân biệt đối xử, lạm dụng, bóc lột, bạo lực, quấy rối, sử dụng lao động trẻ em, lương không đủ sống, vấn đề tự do hiệp hội hội và thương lượng tập thể, cưỡng bức lao động... |
Theo Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hải - Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Kinh doanh có trách nhiệm đã không còn là sự lựa chọn với doanh nghiệp, mà là điều buộc phải thực hiện nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững. Điều này, dựa trên các nguyên tắc, tiêu chuẩn và luật pháp được coi là những chuẩn mực có tính nền móng.
Để giảm thiểu rủi ro về vi phạm quyền con người, cần phải thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Trọng tâm của ứng xử và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, chính là tôn trọng quyền con người. Các diễn giả tại hội thảo, cho rằng, các doanh nghiệp cần phải có giải pháp phòng tránh và giải quyết các tác động bất lợi từ quá trình vận hành nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững cộng đồng. Kỳ vọng này áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt qui mô, lĩnh vực, cơ cấu, địa điểm, quyền sở hữu hoặc tình trạng pháp lý.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD/VCCI), thực tiễn đại dịch Covid-19 đã cho thấy, các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm, đề cao quyền con người, đều có khả năng chống chịu tốt trước khủng hoảng và hồi phục nhanh.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa VCCI và Ủy ban Nhân quyền Australia về “Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm”, tại hội thảo nêu trên, hai bên đã giới thiệu Bộ Tài liệu Hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm trong ngành may mặc và da giầy Việt Nam. Trong đó, có những hướng dẫn tập trung vào quản trị rủi ro đối với con người; đưa quyền con người vào chiến lược kinh doanh, văn hóa và vận hành doanh nghiệp; kết nối và lắng nghe chủ thể quyền và các bên liên quan khác; xây dựng quan hệ để phối hợp hành động.