Ông Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La - thăm mô hình trồng cây cà phê tại huyện Mai Sơn |
Tiềm năng nhưng không dễ xuất khẩu
Nhắc đến Sơn La, người ta thường nhắc đến những cây trồng gắn liền với sự phát triển đi lên của tỉnh, như: Ngô, chè, sắn, cà phê, cao su, đào, mận, sữa… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có thêm những vùng trồng rau mang lại giá trị kinh tế cao.
Để có được nguồn nông sản dồi dào, chất lượng, phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu, những năm qua, Sơn La đã đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP. Toàn tỉnh hiện có 28 chuỗi sản xuất, cung ứng rau, quả, thịt, thủy sản an toàn và 5 cửa hàng nông sản an toàn có xác nhận trên địa bàn thành phố Sơn La và huyện Mộc Châu. Ngoài ra, Sơn La đang có 6 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP, HACCP và 521 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây là tiềm lực dồi dào, có khả năng thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
Nhờ những nỗ lực này, ngoài việc tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận, một số loại nông sản Sơn La đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Ước 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 2.763,8 nghìn USD, trong đó chè là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Bên cạnh đó, nhiều loại nông sản khác của Sơn La cũng có tiềm năng xuất khẩu rất lớn như: xoài, nhãn, rau, củ, quả… nhưng lượng chưa đáng kể. Mới đây nhất, gần 6 tấn xoài Yên Châu đã được mang về Hà Nội kiểm nghiệm để chuẩn bị xuất sang Australia. Loại xoài mà doanh nghiệp thu mua tại Sơn La là xoài xanh, thuộc các giống lai như GL3; GL4, xoài Thái Lan; kích cỡ trung bình từ 7 - 9 lạng/quả, được trồng trên các vùng bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, HACCP. Các mẫu xoài đã được gửi sang cho bạn hàng Australia để đánh giá chất lượng; nếu đạt sẽ xuất khẩu sang quốc gia này bằng đường hàng không. Đây thực sự là tin vui với bà con Sơn La.
Ông Nguyễn Duy Nhượng - Giám đốc Sở Công Thương Sơn La - chia sẻ thêm, một số doanh nghiệp đã đến khảo sát sản phẩm nhãn, chè để tìm hướng xuất khẩu. Nếu được, sẽ giúp đa dạng hóa thị trường cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Tiềm năng là có, nhưng theo Sở Công Thương Sơn La, điểm yếu của các loại hàng hóa nông sản hiện nay là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ không liên tục nên rất khó khăn trong việc liên kết, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Dù đã hình thành những chuỗi sản xuất, các hợp tác xã nông sản an toàn nhưng số lượng chưa nhiều. Bên cạnh đó, do vị trí địa lý xa xôi, hệ thống giao thông đi lại khó khăn nên giá của sản phẩm cao, sức cạnh tranh kém. Muốn sản phẩm có chất lượng, bắt buộc phải kêu gọi được các doanh nghiệp vào tỉnh để đầu tư cho sản xuất, công nghệ chế biến; đồng thời xây dựng các chợ đầu mối nông sản để thu gom, trung chuyển, phát luồng hàng hóa.
Doanh nghiệp "vào cuộc"
Nhận thấy tiềm năng xuất khẩu lớn của nông sản Sơn La, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông sản, bước đầu có những thành công nhất định.
Đơn cử, năm 2013, tỉnh Sơn La mời Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam thành lập Công ty Cổ phần Cá tầm Sơn La, nuôi cá tầm Nga và xuất khẩu trứng cá tầm đen. Đến nay, công ty đã có 50 lồng cá, ấp nở thí điểm được 51.000 con tại hồ Thủy điện Sơn La. Năm 2017, công ty mở rộng quy mô sang nuôi gia công với 30 hộ gia đình của 3 hợp tác xã.
Xoài Yên Châu có tiềm năng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu |
Năm 2016, Công ty Thực phẩm IFOOD đã thuê đất sản xuất tại Mộc Châu và xuất khẩu được trên 200 tấn rau xà lách cuộn Mỹ, tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc với giá trị cao. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Nafood Tây Bắc liên kết với các hợp tác xã trồng 82ha chanh leo tại huyện Mộc Châu, cho thu nhập bình quân 300 triệu/ha và đang chế biến tinh chất chanh leo xuất khẩu sang các nước châu Âu. Năm 2017, công ty mở rộng liên kết với các hợp tác xã và hộ gia đình tại huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Phù Yên để trồng thêm 700ha, đồng thời xây dựng nhà máy chế biến tại Mộc Châu.
Gần đây, Công ty TNHH Agricare Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và tỉnh Sơn La khảo sát cấp mã số vùng trồng đối với sản phẩm xoài, nhãn của tỉnh phục vụ xuất khẩu; đến năm 2018 sẽ mở rộng liên kết, xuất khẩu thêm nhãn quả sang các thị trường lớn trên thế giới.
Ông Nguyễn Duy Nhượng - Giám đốc Sở Công Thương Sơn La: Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cùng việc rau, quả, nông sản Việt Nam đang ngày càng "được lòng" các thị trường lớn trên thế giới, có thể kỳ vọng lượng lớn nông sản Sơn La sẽ được xuất khẩu đi nước ngoài trong thời gian không xa. |