Bốn giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững Cơ hội tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp từ thanh toán điện tử |
Ngày 6-7/4, tại Hà Nội, Ban Thư ký APEC và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội thảo APEC về thúc đẩy “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) thông qua thương mại điện tử. Hội thảo nhằm hiện thực hoá các cam kết và ưu tiên của APEC về nâng cao năng lực cho các nền kinh tế thành viên, thúc đẩy kết nối và đổi mới kỹ thuật số, bền vững và hoà nhập thông qua việc chú ý đến việc trao quyền kinh tế cho các nhóm có tiềm năng kinh tế chưa được khai thác, bao gồm cả những người ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu.
Ban Thư ký APEC và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội thảo APEC về thúc đẩy “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) thông qua thương mại điện tử |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: OVOP lần đầu tiên được khởi xướng vào năm 1979 tại Nhật Bản và được giới thiệu ở cấp địa phương, sau đó tiếp tục mở rộng và phát triển ở cấp độ toàn cầu nhờ những đặc tính ưu việt đã được công nhận. OVOP được cho là cách tiếp cận đơn giản để sản xuất các sản phẩm địa phương, kết nối với các ý tưởng đa dạng để giải quyết các vấn đề địa phương.
Trong quá trình đó, có 3 nguyên tắc được sử dụng và nhấn mạnh để đảm bảo việc triển khai hiệu quả, bao gồm: Thứ nhất, “địa phương nhưng toàn cầu”, được định nghĩa là “sản xuất các sản phẩm được chấp nhận trên toàn cầu phản ánh hương vị và văn hóa địa phương”; Thứ hai, “tự lực và sáng tạo”, có nghĩa là thúc đẩy đổi mới để “sản xuất các sản phẩm và dịch vụ OVOP thông qua tận dụng các nguồn lực tiềm năng trong địa phương”; Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực sẵn có trong khu vực, khơi dậy tinh thần thách thức và sáng tạo.
Với những ý nghĩa đó, mặc dù OVOP lần đầu tiên được khởi xướng ở cấp địa phương, nhưng hiện nay đã mở rộng ra toàn cầu, ở cả các nền kinh tế đang phát triển và phát triển. Riêng ở châu Á, phong trào OVOP đã được triển khai thành công ở cả cấp trung ương và địa phương như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam (với phong trào mỗi xã một sản phẩm - OCOP)…
“Với những tiềm năng và thành quả đã đạt được cho đến nay, OVOP sẽ tiếp tục là một chính sách thiết thực và hiệu quả để các nền kinh tế theo đuổi trong dài hạn dù đã được ra đời từ thế kỷ trước” – ông Nguyễn Thế Quang khẳng định và cho biết: Tuy nhiên, cũng cần lưu ý để có thể tiếp tục phát huy hiệu quả của OVOP, cần tính đến các yếu tố và hoàn cảnh mới nổi. Trong số đó, thương mại điện tử nên được coi là một phương tiện và yếu tố quan trọng để thúc đẩy ảnh hưởng bền vững của OVOP.
Các đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC cũng khẳng định vai trò quan trọng của thương mại điện tử đối với OVOP |
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC cũng khẳng định vai trò quan trọng của thương mại điện tử đối với phong trào OVOP nói riêng và nền kinh tế các quốc gia thành viên APEC nói chung, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cụ thể, theo bà Zhang Xiaodan - Bộ Thương mại Trung Quốc: Thương mại điện tử tại Trung Quốc có sự tăng trưởng nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào kinh tế - xã hội đất nước và ổn định thị trường, ổn định tiêu thụ trong nước. Năm 2022, tổng thương mại bán lẻ tại Trung Quốc là 44.000 tỷ Nhân dân tệ, giảm 0,2% so với năm trước đó. Tuy nhiên, kênh bán hàng qua nền tảng trực tuyến tại tăng 6,4%, và trở thành kênh tiêu dùng chính của Trung Quốc.
Tuy nhiên, để thương mại điện tử thúc đẩy tốt hơn phong trào OVOP, bà Zhang Xiaodan cho rằng các quốc gia cần nhấn mạnh tầm quan trọng của Chính phủ, bởi Chính phủ đóng vai trò như “nhạc trưởng” để kết nối nguồn lực, hướng dẫn thị trường thông qua những cơ chế, chính sách cụ thể. Cùng với đó, các nền tảng thương mại điện tử cũng cần được thiết kế theo hướng nhạy bén với những diễn biến, thay đổi trên thị trường, tạo thuận lợi cho kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.
Trong khi đó, chia sẻ về kinh nghiệm phát triển OVOP tại Nhật Bản, bà Yokomura Kurumi – Chuyên viên Bộ Kinh tế Thương mại Nhật Bản cho rằng: Kể từ năm 2015, Nhật Bản đã có những chương trình quảng bá sản phẩm OVOP trên mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, người tiêu dùng về các sản phẩm OVOP. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của thương mại điện tử đó là người tiêu dùng không nhìn thấy được câu chuyện phía sau mỗi sản phẩm OVOP.
Để khắc phục vấn đề này, bà Yokomura Kurumi cho rằng, thông qua những nền tảng thương mại điện tử, Nhật Bản đã giới thiệu những câu chuyện về sản phẩm OVOP, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm, vật liệu, cũng như các quy trình để tạo ra một sản phẩm OVOP, từ đó giúp sản phẩm OVOP đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Hội thảo APEC về Thúc đẩy OVOP thông qua thương mại điện tử phù hợp với những nội dung mà Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC 2021 đưa ra như: Cam kết theo đuổi mục tiêu bền vững và phát triển toàn diện thông qua việc hỗ trợ “phúc lợi, an ninh và sự tham gia bình đẳng vào nền kinh tế cho tất cả người dân để không ai bị bỏ lại phía sau”. Ngoài ra, phù hợp với cam kết của Tầm nhìn Putrajaya 2040 về việc “thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng, mang lại lợi ích rõ ràng, sức khỏe và phúc lợi tốt hơn cho tất cả mọi người, bao gồm MSMEs, phụ nữ và những người có tiềm năng kinh tế chưa được khai thác” để đảm bảo rằng châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có khả năng phục hồi trước các cú sốc, khủng hoảng, đại dịch và các trường hợp khẩn cấp khác. |