Toạ đàm kết nối đầu tư có sự tham dự của lãnh đạo các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đắk Nông, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, An Giang và đại diện các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore…).
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại tọa đàm |
Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng đạt 2,58%, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% so với năm 2020, đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 19%, đạt 336,25 tỷ USD. Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 350 tỷ USD.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, buổi tọa đàm là cơ hội để kết nối ngoại giao đa phương giữa địa phương với các cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng như thúc đẩy nguồn vốn FDI vào Việt Nam nói chung và các tỉnh thành phía Nam nói riêng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp song các nhà đầu tư quốc tế tin tưởng Việt Nam để mở rộng đầu tư, xem Việt Nam là điểm đến cho những dự định trong tương lai. Việt Nam cam kết sẽ luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN FDI tiến hành đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững, lâu dài tại Việt Nam.
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam, cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài |
Thông tin tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Hải Yến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) - cho biết, trong năm 2022, trung tâm sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ đưa các đoàn DN đi khảo sát môi trường đầu tư tại một số địa phương.
Theo đó, IPCS phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ xây dựng chương tình, hội nghị, toạ đàm xúc tiến đầu tư liên quan đến cảng biển, logistics, dược phẩm, bảo đảm an toàn hàng hải với một số các tỉnh thành phía Nam.
Bên cạnh đó, IPCS cũng sẽ phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc xây dựng chương tình dẫn đoàn DN Hàn Quốc đến một số địa phương để khảo sát, cũng như tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị, khu công nghiệp…
Cùng với đó, IPCS phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản hỗ trợ DN Nhật Bản kết nối với địa phương, tìm hiểu cơ hội đầu tư trong mảng nông nghiệp công nghệ cao như chuỗi sản xuất chăn nuôi khép kín, trung tâm thương mại, phát triển chuỗi kinh doanh bán lẻ.
Ký kết hợp tác giữa Tổng công ty Becamex IDC và Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại buổi Tọa đàm kết nối đầu tư |
Trong khuôn khổ tọa đàm cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Tổng công ty Becamex IDC và Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Theo nội dung ký kết, Becamex IDC và Cục Đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, xúc tiến đầu tư, hợp tác kinh tế, sự kiện quốc tế...
Việc hợp tác này là cơ hội để tỉnh Bình Dương và Becamex IDC kết nối mạnh mẽ hơn nữa trong công tác hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong tổ chức các hội nghị, tọa đàm kết nối địa phương, DN trong nước với đối tác nước ngoài, cũng như tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài nước.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài kỳ vọng, sự hợp tác này sẽ mang lại cơ hội thúc đẩy nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Đồng thời tin tưởng Becamex IDC tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng trong mối quan hệ liên kết này, để đóng góp vào sự phát triển rất năng động của Bình Dương, góp phần đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Hiện Bình Dương đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn FDI (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh), với tổng vốn đăng ký hơn 37,7 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đại diện Becamex IDC tại tọa đàm cũng đã giới thiệu với các cơ quan ngoại giao và hiệp hội DN nước ngoài về tiến độ xây dựng Khu công nghiệp Khoa học công nghệ và Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương. Đồng thời thông tin sơ lược việc xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logictics, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cùng các chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương.
Đặc biệt, trong chiến lược phát triển, Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai Đề án “Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương” với quy hoạch Khu công nghiệp Khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh tỷ trọng dịch vụ, đặc biệt là thương mại điện tử, thương mại quốc tế với dự án tiêu biểu là Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương.