Kinh tế tuần hoàn được hiểu là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD phát biểu tại hội thảo |
Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD cho biết, trong 3 năm gần đây, số lượng DN trên thế giới đã quan tâm đến sáng kiến, mô hình kinh doanh nền kinh tế tuần hoàn tăng lên rất nhiều, song tại Việt Nam, nền kinh tế tuần hoàn vẫn là khái niệm mới đối với các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Điều này không chỉ khiến DN gặp rủi ro đến từ việc khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững của quốc gia.
Ông Vinh cho biết thêm, nếu áp dụng triệt để “tư duy tuần hoàn” trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ đô la cho DN, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới. Vì vậy, các DN Việt Nam không thể đứng ngoài tư duy nền kinh tế tuần hoàn.
Trong khuôn khổ hội thảo đã ra mắt Nhóm làm việc về hỗ trợ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam |
Thông tin tại hội thảo, ông Andrew Thomas Mangan - Giám đốc điều hành Hội đồng DN vì sự Phát triển Bền vững Hoa Kỳ cũng cho biết, trong năm 2015, Việt Nam phát sinh khoảng 27 triệu tấn chất thải. Con số này vẫn tăng lên hàng năm. Hiện nay, 70% bãi xử lý chất thải ở Việt Nam không được xếp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Mặt khác, muốn biến chất thải thành nguyên vật liệu giá trị, DN gặp khó khăn trong việc kiểm soát, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân phối cho nguyên liệu thứ cấp. Nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn nguyên liệu cũng như khó đánh giá, kiểm soát thông tin về nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.
Cùng với thông tin đáng lo ngại mà ông Andrew Thomas Mangan đã đưa ra, bà Regula Schegg - Giám đốc điều hành khu vực châu Á Circulate Capital – cũng cho hay, hiện nay có khoảng 150 triệu tấn nhựa đang trôi nổi trên đại dương và mỗi năm số rác thải nhựa này tăng thêm khoảng 8 triệu tấn. Với thực tế này, châu Á cần khoảng 26 nghìn tỷ USD để cải thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng từ năm 2016 đến năm 2030.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng”.
Vì vậy, chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để thực hiện có hiệu quả phát triển nền kinh tế tuần hoàn bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc chỉ đạo chặt chẽ, sát sao các hoạt động, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn làm cơ sở cho việc xử lý tái chế chất thải... thì cần có sự tăng cường liên kết giữa các Viện, trường, các nhà khoa học và DN để sớm tập trung nghiên cứu hoàn thiện công nghệ tái chế xử lý chất thải phù hợp với điều kiện của Việt Nam...
Tán đồng ý kiến của các đại biểu, ông Andrew Thomas Mangan đánh giá cao và kỳ vọng VBCSD/VCCI trong việc thực hiện Dự án Thị trường nguyên vật liệu thứ cấp – nơi các nhà sản xuất có thể mua, bán và trao đổi các thiết bị, nguyên vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng. Qua đó, giúp tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu vẫn còn giá trị sử dụng, giảm thiểu tác động môi trường tiêu cực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam một cách bền vững hơn.
Sau khi hội thảo “Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” kết thúc, các ý kiến đưa ra sẽ được tổng hợp để báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, dự kiến tổ chức vào tháng 11/2019, tại Hà Nội. Những kiến nghị từ hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy việc triển khai các chương trình hành động của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam và Công ty TNHH Deep C ký kết hợp tác |
Để lan tỏa, thúc đẩy DN nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, trong khuôn khổ của hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác xử lý rác thải nhựa giữa Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam và Công ty TNHH Deep C. Dự án được thực hiện với mục đích tái chế bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng bị vứt bừa hãi hoặc chôn lấp thành nguyên vật liệu xây dựng đường giao thông.
Theo ký kết, đoạn đường giao thông thử nghiệm đầu tiên dài 1 km, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2019, sẽ chuyển hóa gần 4 tấn bao bì nhựa dẻo, tương đương khoảng 1 triệu bao bì nhựa, được cung cấp bởi khách hàng của Dow tại các khu vực lân cận. Sau khi hoàn thành, con đường mới này sẽ được Đại học Hàng hải Việt Nam đánh giá kết quả thử nghiệm trước khi mở rộng dự án trên toàn khu công nghiệp. “Dow cam kết mạnh mẽ trong việc chấm dứt rác thải nhựa, trong đó có việc tìm ra các giải pháp đổi mới sáng tạo, nhằm biến rác thải nhựa thành những sản phẩm mới” – Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam khẳng định.