Thúc đẩy liên kết vùng để phát triển ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên Đà Nẵng ngập tràn sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách |
Nhằm thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và kết nối với các cấp chính quyền trong khu vực, chiều 10/4, tại thành phố Đà Nẵng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên (VCCI miền Trung – Tây Nguyên) tổ chức Hội nghị Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Hội nghị Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên. |
Tốc độ hồi phục của doanh nghiệp diễn ra chậm
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì xu hướng tích cực trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát. Bình quân năm 2023 CPI tăng 3,25% so với năm 2022 và đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra; lạm phát cơ bản tăng 4,16%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 của Việt Nam sụt giảm lần đầu tiên trong 10 năm qua, khi chỉ đạt 683 tỷ USD, xuất siêu hàng hoá 28 tỷ USD.
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI |
Theo ông Thành, mặc dù vậy, tình hình doanh nghiệp trong năm qua vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022, nhiều ngành hàng suy giảm chưa có dấu hiệu phục hồi.
Phó Chủ tịch VCCI nhận định Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới được hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng chậm lại do cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn vẫn còn tiếp diễn, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng ... tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn sẽ khó khăn trong 2 quý đầu năm 2024 và khởi sắc vào 6 tháng cuối năm.
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI miền Trung - Tây Nguyên cho biết, năm 2023 là năm còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp đối mặt với các thách thức, thuận lợi đan xen và đặc biệt tại khu vực còn khó khăn hơn. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, rời khỏi thị trường vẫn ở mức cao, công tác cải thiện môi trường kinh doanh tại một số địa phương đang có tình trạng chững lại...
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI miền Trung-Tây Nguyên cho biết, tốc độ hồi phục của doanh nghiệp khu vực đang diễn ra khá chậm. |
Theo ông Quang, nhìn vào tốc độ tăng trưởng GRDP tại các địa phương miền Trung – Tây Nguyên với 5/10 tỉnh tăng trưởng dưới mức trung bình, có địa phương còn tăng trưởng âm. “Đến quý I/2024, tình hình không mấy khả quan, từ đó thấy rằng tốc độ hồi phục của doanh nghiệp khu vực đang diễn ra khá chậm”, ông Quang nhìn nhận.
Tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, VCCI sẽ đẩy mạnh triển khai hoạt động liên kết vùng tập trung vào 2 vùng chính là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Tây Nguyên, thúc đẩy liên kết Hiệp hội, doanh nghiệp góp phần cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy tốt vai trò là cơ quan đại diện, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương và các hiệp hội sẽ là “cánh tay nối dài” của VCCI trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. VCCI sẽ duy trì tổ chức Hội nghị giao ban các hiệp hội doanh nghiệp theo khu vực và Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp, giới doanh nhân năm 2024.
Bên cạnh đó, VCCI tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy cung – cầu, giảm áp lực lạm phát. VCCI sẽ tập trung xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm tại Hội nghị. |
Đồng thời, VCCI sẽ tăng cường triển khai các hoạt động liên quan đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó, đẩy mạnh các hoạt động, giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển các công cụ hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể số hóa hoạt động quản trị, khuyến khích chuyển đổi mô hình kinh doanh sang doanh nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững; các hoạt động trong khuôn khổ thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam sẽ được chú trọng, tích cực triển khai.
“Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã luôn là người bạn đồng hành, lắng nghe, tập hợp ý kiến, từ đó thực hiện nhiều khuyến nghị, góp ý chính sách về các vấn đề hội nhập, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và tiên phong trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành khẳng định.