Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp thương mại
Tại Việt Nam, do tính chất phụ thuộc lớn vào thói quen và sức mua của người tiêu dùng, ngành bán lẻ và logistics đã phải chịu những biến đổi liên tục trong thời gian gần đây bởi những thay đổi mạnh mẽ từ thị trường. Từ sự cộng hưởng của các sự kiện gần đây cho thấy việc nắm bắt và thấu hiểu những thay đổi từ người tiêu dùng cũng như thị trường là rất cần thiết với ngành này.
Các doanh nghiệp bán lẻ đang tích cực chuyển đổi số theo xu hướng thị trường |
Để nắm bắt thông tin thị trường và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động, ngày 29/6, Khối thi đua 11 của TP. Hồ Chí Minh và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề "Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại".
Tại hội nghị này, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, ông Lý Minh Tuân - Trưởng phòng Công nghệ thông tin đã trình bày định hướng chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố, trong đó nhấn mạnh: Mục tiêu của Thành phố đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với việc đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Do đó trong xu thế chung này các doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi số để thích ứng với thị trường.
Cũng tại hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực bán lẻ và logistics, nhằm giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin.
Theo vị đại diện này, hiện nay, sự xuất hiện của công nghệ đã làm thay đổi lớn về thói quen và và hành vi của khách hàng khi ưu tiên sử dụng thẻ tín dụng, hạn chế sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là mỗi khi có sự xuất hiện của công nghệ mới, ngành bán lẻ và logistics sẽ cần phải liên tục cập nhật, nhanh chóng thích nghi và thay đổi diện mạo mới.
Các doanh nghiệp tham dự hội nghị |
Liên quan đến hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp trong Khối thi đua 11, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Liên Hiệp hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: Khối thi đua 11 tập hợp các doanh nghiệp là Tổng công ty, Công ty TNHH MTV của Thành phố. Thời gian qua, Khối có đóng góp quan trọng trong hoạt động thương mại của TP. Hồ Chí Minh, trong đó có những thương hiệu quốc gia như Saigontourist, Saigon Co.op…
Theo ông Đức, quá trình chuyển đổi số cũng là quá trình được các doanh nghiệp Khối 11 thúc đẩy trong hoạt động của mình, đặc biệt là những đơn vị giao dịch bán lẻ. Bởi lẽ quá trình chuyển đổi số này không chỉ tác động đến doanh nghiệp mà trên phương diện xã hội cũng có tác động rất lớn.
Tuy vậy, ông Đức cho biết, các đơn vị bán lẻ thời gian sau dịch Covid chuyển đổi số rất nhanh thông qua các hoạt động của từng doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn thách thử đối với các doanh nghiệp, việc chuyển đổi số phải đảm bảo phù hợp những biến động của thị trường, và quan trọng hơn hết là mang lại những hiệu quả thực sự chứ không phải chỉ là phong trào. Ngoài ra, nếu so sánh với các doanh nghiệp bán lẻ, thương mại FDI, rõ ràng doanh nghiệp nội đang đuối sức hơn bởi doanh nghiệp FDI với tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ sẽ áp dụng công nghệ và kinh nghiệm vào thực tiễn thuận lợi hơn.
“Để đảm bảo việc chuyển đổi số đi theo biến động thị trường và mang lại giá trị cho doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng và hiệp hội có sự liên kết chặt chẽ hơn trong thời gian tới”- ông Đức bày tỏ.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo quy mô GDP Việt Nam năm 2023 có thể đạt khoảng 449,09 tỷ USD và chỉ riêng khối thương mại bán lẻ đã chiếm 150 tỷ USD - cho thấy sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực này. Do đó việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ là cấp thiếp để đi theo xu hướng chung của thị trường cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. |