Cần thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất trong doanh nghiệp
Thời gian qua, vấn đề năng suất của Việt Nam được Chính phủ và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, do đây là yếu tố tác động quan trọng tới năng lực cạnh tranh và mức sống của người dân. Cụ thể, Việt Nam đã triển khai, thực hiện Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Sau 3 năm triển khai, thực hiện, chương trình đã mang lại những thành công bước đầu. Hoạt động năng suất, chất lượng có xu hướng lan tỏa và có tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo năng suất Việt Nam 2014 do Viện Năng suất Việt Nam biên soạn mới được công bố gần đây, giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về cải thiện năng suất cũng như tác động của năng suất đến tăng trưởng kinh tế. Báo cáo tập trung vào các chỉ tiêu quan trọng, đánh giá năng suất của nền kinh tế là năng suất lao động và năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Kết quả tính toán các chỉ tiêu năng suất được trình bày trong báo cáo phản ánh thực trạng năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời cho thấy những khó khăn, thử thách cần phải vượt qua.
Năng suất lao động là một trong những chỉ tiêu quan trọng, nâng cao GDP bình quân trên đầu người, qua đó nâng cao mức sống của người dân. Theo báo cáo, năng suất lao động của toàn xã hội năm 2014 ước đạt 74,3 triệu đồng/1 lao động. Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động xã hội năm 2014 đạt 50,84 triệu đồng/1 lao động. Số liệu cho thấy, từ năm 2005 đến nay, năng suất lao động hàng năm đều tăng với tỷ lệ bình quân khoảng 3,5%/năm. Nhìn chung, năng suất lao động có xu hướng tăng dần một cách ổn định.
Cũng theo báo cáo, trong ba yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế là tốc độ tăng của vốn, lao động và TFP thì vốn có tốc độ tăng cao nhất với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 11,67%; giai đoạn 2011 - 2014 là 7,52%. Tốc độ tăng của lao động các giai đoạn 2006 - 2010, 2011 - 2014 lần lượt là 2,78% và 1,97%. TFP có tốc độ tăng chậm nhất, giai đoạn 2006 - 2010 là -0,27%, giai đoạn 2011 - 2014 là 1,44%. Mặc dù còn thấp nhưng tốc độ tăng của TFP đang có xu hướng tăng lên, trong khi tốc độ tăng của vốn và lao động đang chậm lại.
Điều đó thể hiện ở xu hướng đóng góp các yếu tố vào tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2006 - 2010, đóng góp của tăng vốn vào tăng trưởng kinh tế lên tới 80%, tăng lao động là 26%, tăng TFP là - 5,8%. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2013 có sự thay đổi rõ rệt, đóng góp của tăng vốn chỉ còn 55,6%, tăng lao động là 22,3% và tăng TFP lên tới 22,2%. Giai đoạn 2011- 2014, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế là 25,8%.
Qua phân tích cho thấy, Việt Nam đang trên đà cải thiện năng suất mạnh mẽ, tuy nhiên khoảng cách về năng suất của Việt Nam so với các nước phát triển còn khá xa, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhìn chung thấp hơn và tốc độ tăng TFP cũng chậm hơn. Vì vậy cần có nhiều nỗ lực hơn để thu hẹp khoảng cách này.
Việt Nam muốn trở thành quốc gia có năng suất cao, cần có những thay đổi về cơ cấu kinh tế, phân bổ và sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả, phát huy năng lực và khả năng sáng tạo của người lao động, đặc biệt là cần thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất trong doanh nghiệp. |