Sáng ngày 20/7, tại thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp UBND TX. Hương Thủy tổ chức Ngày hội việc làm bền vững (Ngày hội) tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 2/2024.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Quang Tuấn (thứ tư trái sang) yêu cầu các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng, tập trung các ngành đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh: NT) |
Việc làm luôn là những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Các chính sách này luôn hướng đến mục tiêu việc làm bền vững, tạo cơ hội bình đẳng cho người lao động. Ngày hội là dịp để người lao động nói chung, người lao động khu vực phía Nam Thừa Thiên Huế nói riêng tiếp cận nhiều hơn với cơ hội việc làm, tuyển sinh học nghề; đồng thời là cầu nối để các doanh nghiệp trên địa bàn Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới lựa chọn nhân lực phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.
Dịp này, Ngày hội cũng ra mắt và vận hành Sàn giao dịch việc làm trực tuyến (online). Đây được xem là một bước chuyển biến mới trong công tác kết nối cung – cầu lao động, qua đó, giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm; giúp doanh nghiệp tuyển dụng được nhiều ứng viên phù hợp. Thông qua hệ thống phần mềm này, cơ quản quản lý của tỉnh luôn có được các số liệu đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó mới có thể có các tác động hỗ trợ bằng việc ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp.
Phát biểu tại Ngày hội, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Quang Tuấn cho biết, để Ngày hội trở thành một trong những hoạt động thường xuyên nhằm thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, các cơ quan, ban, ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, dự báo thị trường lao động nhằm định hướng công tác đào tạo, giới thiệu việc làm trong tỉnh, trong nước và làm việc ở ngước ngoài theo hợp đồng, giúp người lao động có cơ hội tìm được việc làm và giúp doanh nghiệp tuyển đủ số lao động còn thiếu.
“Cần tăng cường chỉ đạo, triển khai công tác dự báo, cân đối nhu cầu đào tạo nhân lực và hỗ trợ việc làm cho lao động sau đào tạo giữa các ngành, địa phương, cơ sở đào tạo và các tổ chức kinh tế. Điều này giúp chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để đón đầu khi các dự án lớn đưa vào hoạt động trong thời gian đến. Về phía các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, đề nghị, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là tập trung các ngành đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu phát triển của tỉnh và hội nhập quốc tế”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.