Vừa qua, Trung tâm công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh (HueCIT) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC) và Hợp tác xã Nông nghiệp số (NNS) đã tiến hành trao đổi, làm việc trực tiếp với 2 địa phương được chọn xã làm thí điểm gồm xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc và xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Các buổi làm việc nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: “Mỗi địa phương chủ động lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân”.
Theo đó, dựa vào định hướng phát triển cũng như những lợi thế, mức độ sẵn sàng về ứng dụng CNTT… của từng địa phương, các đơn vị đã có những tư vấn, định hướng về việc xây dựng mô hình “Xã thông minh” cho các xã tiêu biểu trên địa bàn cấp huyện theo 3 nhóm chính: Nhóm chính quyền số; Nhóm xã hội số và Nhóm kinh tế số.
Để hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, cần thực hiện một số công việc như: nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT cấp xã; bổ sung nguồn lực chuyên trách CNTT cấp xã; thúc đẩy sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành cấp xã, hệ thống dịch vụ hành chính công và một cửa điện tử; triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến và báo cáo số từ xã đến huyện đến tỉnh.
Đối với Nhóm xã hội số: xây dựng phòng giám sát điều hành xã thông minh; triển khai hệ thống cáp quang về tận thôn, bản; phổ cập điện thoại thông minh; xây dựng trang thông tin tổng hợp “Xã thông minh”; triển khai chương trình truyền thanh thông minh; triển khai y tế thông minh, giáo dục thông minh; triển khai hệ thống giám sát an ninh thôn xóm bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Đối với Nhóm kinh tế số, cần hình thành mô hình hợp tác xã số; hình thành mô hình nông nghiệp thông minh; triển khai các giải pháp thương mại điện tử; quảng bá du lịch nông thôn bằng công nghệ VR3D mapping.
Mô hình “Xã thông minh” sẽ được triển khai thí điểm tại một số xã thuộc huyện Phú Lộc và huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế |
Ông Hoàng Bảo Hùng – Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, tháng 10 vừa qua, HueCIT đã ký kết hợp tác với hợp tác xã nông nghiệp số trong các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KHCN và đào tạo, tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ truyền thông và chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn theo định hướng chiến lược xây dựng nông thôn thông minh kết nối đô thị thông minh.
Với vai trò kết nối giữa các đơn vị, trong thời gian tới, HueCIT sẽ phối hợp với Sở TT&TT, IOC và hợp tác xã nông nghiệp số để triển khai chuỗi các hoạt động thiết thực trong việc hỗ trợ các xã thí điểm ứng dụng CNTT và chuyển đổi số như: Triển khai hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành cấp xã; xây dựng trang thông tin tổng hợp “Xã thông minh”; xây dựng kế hoạch hướng dẫn ứng dụng thương mại điện tử cho hộ kinh doanh cá thể và nông hộ; xây dựng chuyên trang hợp tác xã số, tích hợp thương mại điện tử; đào tạo kỹ năng số cho người nông dân/ công nhân nông nghiệp…
Việc triển khai đề án “Thí điểm xã thông minh” thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phục vụ hoạt động quản lý của chính quyền |
Được biết, xã Vinh Hưng là một trong những xã tiêu biểu của huyện Phú Lộc với sự ổn định và phát triển về kinh tế, hệ thống điện, đường, trường, trạm đồng bộ, đa dạng về văn hóa và ngành nghề truyền thống tại địa phương; xã Quảng Thọ là một trong những vùng trũng thấp của huyện Quảng Điền, thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, ảnh hưởng rất lớn tới sinh kế của nhân dân địa phương.
Việc triển khai đề án “Thí điểm xã thông minh” với mục tiêu phát huy cao hơn nữa những giá trị khoa học - công nghệ, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phục vụ hoạt động quản lý của chính quyền, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, qua đó nhằm đánh giá, áp dụng nhân rộng trên toàn huyện, toàn tỉnh.