Theo đó, đến năm 2025, số lao động trong doanh nghiệp đạt khoảng 92.000 người, tốc độ tăng bình quân thời kỳ 2021 - 2025 đạt 1,5-3%/năm; giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn, phấn đấu đạt khoảng 1.500 triệu USD, tăng 1,7 lần so với năm 2020, tăng 12% giai đoạn 2021-2025; tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020, chiếm từ 45-50% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 5.500 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2020, chiếm từ 50-55% tổng thu ngân sách của tỉnh; tỷ lệ đạt 70 doanh nghiệp/10.000 dân, tăng 1,5 lần so với năm 2020; tốc độ phát triển doanh nghiệp thành lập mới bình quân thời kỳ 2021 - 2025 tăng 5-10%/năm.
Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế có hơn 90 ngàn lao động làm việc trong các doanh nghiệp |
Đề án đã đề ra bốn nhóm giải pháp chủ yếu đó là: Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp; công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cấp chính quyền.
Quan điểm phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế là sẽ tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào nhóm đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19; tập trung kêu gọi các tập đoàn lớn tham gia đầu tư các dự án công nghiệp, du lịch, dịch vụ…
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp có ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ, tư vấn để khởi nghiệp thành công... Đồng thời, quyết liệt trong công tác cải cách hành chính; tập trung chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh nhằm đảm bảo tổ chức thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm. Tạo lập môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch thông qua việc nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp….
Đồng thời, các doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh tái cơ cấu, liên kết, hợp tác kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, đến ngày 31/10/2021, có 514 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.885,6 tỷ đồng, giảm 15% về lượng và giảm 52,4% về vốn so với cùng kỳ. Từ đầu năm 2021đến nay, đã cấp phép cho 30 dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 9 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 14.125 tỷ đồng (cấp mới 13.498 tỷ đồng và vốn tăng thêm 627 tỷ đồng)