Thừa Thiên Huế: Kịp thời cứu 2 thuyền viên gặp nạn trên biển Thừa Thiên Huế: Chủ động sơ tán người dân để ứng phó mưa lũ Thừa Thiên Huế: Có thêm nhà máy chế biến cát thạch anh hơn 2.000 tỷ đồng |
Sáng 15/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Thừa Thiên Huế cho biết, trong 12 giờ qua, lũ trên các sông đang lên, riêng sông Truồi đang xuống chậm. Mực nước lúc 8 giờ 15/11 tại các trạm thủy văn như sau: Sông Hương tại trạm Kim Long đạt 4,21m, lớn hơn báo động 3 là 0,71m; sông Bồ tại trạm Phú Ốc đạt 4,38cm, nhỏ hơn báo động 3 là 0,12m; sông Ô Lâu tại trạm Phong Bình đạt 1,87m; sông Truồi tại trạm Truồi đạt 3,07m.
Nhiều tuyến đường tại TP. Huế biến thành sông, người dân đi lại bằng thuyền |
Dự báo, trong sáng và trưa nay (15/11), lũ trên các sông tiếp tục lên và sẽ đạt đỉnh, sông Hương tại trạm Kim Long đạt đỉnh ở mức 4,4m trên báo động 3 là 0,9m, sông Bồ tại trạm Phú Ốc đạt mức 4,5m, bằng báo động 3, sau xuống chậm, riêng sông Truồi tiếp tục xuống chậm. Nguy cơ rất cao ngập lụt kéo dài ở vùng trũng thấp, khu đô thị, sạt lở ven sông Bồ, sông Hương, sông Truồi nhất là tại các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Nam Đông, Phú Lộc, TP. Huế, TX. Hương Trà, TX. Hương Thuỷ.
Tuyến đường Bà Triệu - Hùng Vương - Nguyễn Huệ tại TP. Huế ngập sâu |
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 15/11 nhiều tuyến đường tại TP. Huế bị ngập sâu như đường: Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Nguyễn Lương Bằng, Bến Nghé, Trần Quang Khải, Nguyễn Hữu Cảnh, Tố Hữu, Lê Hồng Phong, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sinh Cung… có nhiều đoạn ngập sâu từ 1 – 1,5m. Đường phố biến thành sông, người dân sử dụng thuyền bè là phương tiện đi lại.
Tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông, Phú Lộc… mưa lớn diện rộng đã làm giao thông chia cắt, mọi hoạt động đi lại bị tạm dừng, hàng ngàn héc-ta hoa màu bị ngập. Tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh có những đoạn ngập sâu, lực lượng chức năng tiến hành cắt cử người cảnh giới.
Trước diễn biến bất thường mưa lũ, từ tối ngày 14/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cũng đã phát đi thông báo cho toàn thể học sinh nghỉ học trong ngày 15/11.
Sáng ngày 15/11, lực lượng Công an TP. Huế cùng lực lượng dân phòng kịp thời đưa chị Huỳnh Thị Lý đang mang bầu (sinh năm 1991) cùng hai em nhỏ nhà bị ngập sâu ở đường Phan Chu Trinh đến nơi an toàn; một trường hợp mang bầu ở phường Vĩ Dạ cũng được lực lượng công an hỗ trợ đưa đi bệnh viện…
Tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế bị chia cắt do mưa lũ |
Trước đó, từ chiều tối 14/11 đến rạng sáng 15/11, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa đặc biệt to, mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng đổ về khiến nước dâng lên quá nhanh, người dân không kịp trở tay, trắng đêm ứng phó với tình hình mưa lũ. Nhiều người dân ở thành phố Huế cho biết, mặc dù được thông báo điều tiết lũ từ các hồ chứa, cảnh báo mưa lớn từ cơ quan chức năng, tuy nhiên không ngờ lũ lên nhanh như vậy.
Ông Nguyễn Hoàn, ở đường Hoàng Quốc Việt cho biết, từ chiều thấy trời mưa ít nên chủ quan không dọp dẹp hàng hoá. Tuy nhiên, sau 19 giờ thì nước đã lên nhanh, nước tràn đường và ngập vào nhà, không kịp trở tay.
Trong khi đó, rất nhiều người dân ở hạ nguồn sông Hương cũng đã tất bật chạy lũ trong đêm. Người dân ở phố cổ Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP Huế) cho biết, từ chiều ngày 14/11 nước sông đã bắt đầu lên và đến 20 giờ thì nước đã tràn vào nhà, trung bình mỗi tiếng nước dâng lên hơn 20 cm. Nước dâng lên nhanh đã khiến rất nhiều xe ô tô bị mắc kẹt, không kịp di chuyển đến nơi an toàn.
Lực lượng Công an phường Vỹ Dạ hỗ trợ người dân đi bệnh viện trong lúc nước lũ dâng cao |
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 14/11 huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế cũng đã tiến hành sơ tán gần 1.000 hộ dân sống ở những vùng thấp trũng, xung yếu, có nguy cơ sạt lở, sạt trượt đất đá.
Sáng ngày 15/11, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, do mưa lớn diện rộng nên nhiều địa phương toàn tỉnh ngập sâu. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn trong công tác cung cấp điện, tính mạng của người dân, ngành điện tiến hành cắt điện ở những vùng ngập sâu, nguy cơ mất an toàn cao. Các điện lực trực thuộc tiến hành kiểm tra công tác an toàn suốt đêm 14/11.
Tình hình mưa lũ đã gây ra những thiệt hại ban đầu, cụ thể lúc16 giờ ngày 4/11, tại tổ dân phố Đồng Dương, thị trấn Lăng Cô đã xảy ra một trận lốc xoáy đã làm 1 nhà cấp 4 bị tốc mái, thiệt hại 30%; gió mạnh làm cây ngã đổ làm sập 1 căn nhà bếp của bà Nguyễn Thị Vân; tốc mái hoàn toàn quán kinh doanh hải sản Bé Muối và làm hư một số tài sản như bàn ghế, quạt. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều động 15 đồng chí cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lăng Cô phối hợp với địa phương giúp dân khắc phục thiệt hại do dông, lốc gây ra.
Dự báo, từ ngày 15/11 đến ngày 17/11 tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 500mm. Mực nước trên các sông duy trì ở mức cao trên báo động 3; gây ngập lụt diện rộng; cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.