Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng tôn kính và tri ân sâu sắc đối với phong trào Tây Sơn và người Anh hùng dân tộc "áo vải cờ đào" Nguyễn Huệ - Quang Trung đã "Giúp dân dựng nước xiết bao công trình", giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước và anh hùng chống giặc ngoại xâm.
![]() |
Tái hiện cảnh lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ |
Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân gắn liền với những thành tựu to lớn của phong trào Tây Sơn, với tên tuổi và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung, vị danh tướng thiên tài đã đưa phong trào Tây Sơn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và phát triển lên đến đỉnh cao.
![]() |
Tái hiện hình ảnh binh lính luyện tập binh khí |
Tháng 1/1885, sau khi phá tan 20 vạn quân Xiêm xâm lược ở Rạch Gầm - Xoài Mút (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Huệ được cử làm Tiết chế chỉ huy chiến dịch quân sự đánh thành Phú Xuân đang do quân Trịnh chiếm đóng. Bằng tài chỉ huy thao lược, cách đánh bất ngờ, kết hợp dùng mưu trí với sức mạnh quân sự và được sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, tháng 5 năm Bính Ngọ (tháng 6/1786), Nguyễn Huệ giải phóng thành Phú Xuân. Chiến thắng vẻ vang này đã mở ra cho nhân dân Thuận Hóa một trang sử mới. Từ đây, Phú Xuân trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào Tây Sơn, là điểm xuất phát và bàn đạp để Nguyễn Huệ tiến thẳng ra Thăng Long lập lại nền thống nhất đất nước, xóa bỏ cục diện phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài hơn hai thế kỷ.
![]() |
Nguyễn Huệ tế cáo trời đất trước khi lên ngôi Hoàng đế |
Đầu tháng 12/1788, nhân lời cầu cứu của Lê Chiêu Thống và dưới danh nghĩa giúp vua Lê, 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy chia làm ba đạo quân ồ ạt sang xâm lăng nước ta. Với tầm nhìn xa trông rộng và sự mẫn cảm về mặt chính trị, Nguyễn Huệ thấy rằng muốn đánh dẹp giặc Thanh thì trước hết cần phải chính thức định vị hiệu “làm cho danh nghĩa được quang minh chính đại để giàng buộc lấy lòng người trong Nam ngoài Bắc”. Do vậy, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), tại núi Bân (nay thuộc phường An Tây, thành phố Huế), Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung năm thứ nhất rồi hạ lệnh xuất quân thần tốc tiến ra Bắc.
![]() |
Sau khi tế cáo trời đất, tập hợp binh lính Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ xuân quân thần tốc tiến ra Bắc |
Đêm 30 tết xuân Kỷ Dậu, đoàn quân Tây Sơn bắt đầu mở cuộc tiến công như vũ bão vào các vị trí cố thủ của địch. Ngay đêm hôm đó, quân Tây Sơn đã tiêu diệt các đồn tiền tiêu và đến đêm mồng 3 tết hạ đồn Hà Hồi. Mờ sáng mồng 5 tết (30/1/1789), đại quân Tây Sơn mở cuộc tổng công kích vào đồn Ngọc Hồi. Cùng ngày hôm đó kinh thành Thăng Long được giải phóng. Chỉ trong vòng 5 ngày tổng tấn công đầu xuân tết Kỷ Dậu (25 đến 30/1/1789), các đạo quân Tây Sơn đã chiến đấu dũng cảm đánh bại quân Thanh xâm lược và quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. Với lối đánh tiến công thần tốc, bất ngờ, táo bạo và mãnh liệt, vua Quang Trung đã đại phá quân Thanh, giữ vững nền độc lập và chủ quyền của quốc gia dân tộc.