Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Thừa Thiên Huế, bão số 6 đã làm 214 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng (huyện Phú Lộc 210 nhà: thành phố Huế có 4 nhà); một số công trình hư hại như: Trụ sở huyện ủy Phú Lộc, nhà xe UBND thị trấn Lăng Cô; trường Lộc An, Giang Hải…
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương (bên trái) trực tiếp chỉ đạo khắc phục sạt lở bờ biển tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc. Ảnh: Hiếu Minh |
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cường suất mưa lớn vùng nội đồng kết hợp triều cường, nước dâng do bão nên nước trên các triền sông không chảy ra biển đã gây ngập lụt cho các khu vực ven biển, đầm phá và khu vực trũng thấp như thị trấn Lăng Cô (xóm Mỹ Lợi, TDP An Cư Tân, An Cư Đông 1) nước biển dâng, ngập sâu từ 1,0 - 1,5m gây ngập 47 nhà; tuyến đường Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Lăng Cô (cây xăng số 7) nước biển dâng gây ngập sâu (0,2-0,5)m, dài khoảng 300m; đường tỉnh 4 đoạn qua xã Quảng Phước/Quảng Điền ngập sâu từ 0,8 đến 1m; đường tỉnh 8A đoạn qua xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) ngập sâu từ 0,2 đến 0,5m; khu vực Xóm Gióng-An Tây, Xuân Phú, An Đông thành phố Huế; khu vực Quảng Thành, Quảng An với mức ngập từ 0,3-0,5m…
Mưa bão gây ngập lụt cục bộ mốt số tuyến đường tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Minh |
Ngoài ra, khu vực bờ biển giáp ranh xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An tiếp tục bị sạt lở, triều cường dâng cao tràn vào khu vực các nhà hàng phía trong. Bờ biển Giang Hải – Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) tại vị trí đoạn kè mền bằng ống cát, nước biển dâng cao, tràn qua nhiều vị trí vào sâu trong khu vực nuôi trồng và sản xuất; bờ biển Giang Hải-Vinh Mỹ tiếp tục xâm thực, xói lở dài 500m; đường Trịnh Tố Tâm, khu vực Mũi Chùa sạt lở khoảng 100m; bờ biển tại xã Phong Hải, Phong Điền đã bị xâm thực với chiều dài khoảng 1,3 Km với chiều sâu 8m; mưa bão đã làm hai người thiệt mạng (1 người TP. Huế, 1 người huyện Phú Lộc).
Bão số 6 (bão TRAMI) khiến ngành điện Thừa Thiên Huế sa thải lưới điện tại một số khu vực trên địa bàn các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền thị xã Hương Trà và thành phố Huế để đảm bảo an toàn.
Bão số 6 khiến nước biển dâng cao, xâm thực, phá tan bờ biển giáp ranh xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An. Ảnh Hiếu Minh |
Ngay sau khi bão tan, chiều tối ngày 27/10 lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp về hiện trường các địa điểm sạt lở bờ biển, các địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch Hoàng Hải Minh và Phó Chủ tịch Phan Quý Phương đã đi kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển khu vực giáp ranh xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An; bờ biển Giang Hải – Vinh Hiền.
Qua đi kiểm tra thực tế các điểm sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai của các lực lượng, người dân nhằm hạn chế việc ảnh hưởng nước biển xâm thực.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương cử cán hộ theo dõi chặt chẽ diễn biến khu vực sạt lở, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có phương án xử lý. Đồng thời tổ chức rà soát các khu vực trọng điểm, xung yếu, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ đầu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nước biển xâm thực.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương giao UBND huyện Phú Vang, UBND thành phố Huế và UBND huyện Phú Lộc khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp đồng bộ, tổng thể đối với việc phòng, chống sạt lở, trong đó có sạt lở bờ biển.