Khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại
Ngày 29/10, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đã có buổi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 9 tại huyện Nam Đông.
Tại huyện Nam Đông, do ảnh hưởng của bão số 9, bắt đầu từ lúc 9h30 đến 17h ngày 28/10, trên địa bàn huyện đã có có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9 đã làm cho nhiều nhà dân và nhiều diện tích cây lâm nghiệp, nhất cây cao su bị gãy đổ.
Theo UBND huyện Nam Đông cho biết, trước khi bão số 9 đổ bộ, để đảm bảo an toàn cho các hộ ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, UBND huyện Nam Đông đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện sơ tán 1.595 hộ, với 5.395 khẩu ở các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến các vị trí an toàn; hiện nay các hộ sơ tán đã trở về lại nhà an toàn.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu với lãnh đạo huyện Nam Đông trong sáng 29/10 |
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Nam Đông, thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện có 5 nhà bị sập, hơn 400 nhà bị tốc mái, 5 trường học và trụ sở cơ quan bị hư hại. Có hơn 20 điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh bị sạt lở, hư hỏng và 16 cầu, cống qua đường sản xuất bị nước xói lở gây hư hỏng, sạt lở đất dọc bờ sông, suối hơn 3,6km, gần 3 ha đất trồng lúa bị đất, đá vùi lấp. Ước tính ban đầu có hơn 2.500 ha rừng trồng keo và khoảng hơn 1.500 ha cao su đang khai thác bị gãy đổ; gần 30 ha rau màu các loại; hơn 25 ha cây hàng năm; hơn 10 ha cây ăn quả bị bị thiệt hại; 20 con gia súc (trâu, bò, lợn), 740 con gia cầm bị chết do ngập lụt và hơn 30 ha ao cá bị nước cuốn trôi; 5 nhà lưới, nhà màn bị hư hỏng…
Trong quá trình làm việc với lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Nam Đông đồng thời đi kiểm tra tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra tại huyện miền núi Nam Đông, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo huyện cần tập trung mọi lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra. Nhận định tình hình sạt lở có nguy cơ xảy ra trên địa bàn huyện, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Huyện Nam Đông cần có khảo sát, trong đó có thể thuê chuyên gia để khảo sát tình hình địa chất tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở trên địa bàn huyện, để có giải pháp xử lý nhằm không để xảy ra tình trạng sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản của người dân. Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau cơn bão, yêu cầu UBND huyện Nam Đông tập trung khắc phục, xử lý những thiệt hại bước đầu; tiếp tục nắm bắt lại tình hình đời sống bà con nhân dân, xem có thiệt hại gì để có hướng xử lý, hỗ trợ tiếp theo; với các hộ dân khó khăn, cần huy động các lực lượng để hỗ trợ, giúp đỡ người dân sớm ổn định đời sống...
Bên cạnh đó huyện cần thống kê, nắm lại số liệu thiệt hại của người dân, trong đó có các loại cây trồng như cao su, keo, tràm…; có giải pháp xử lý cây cao su bị gãy đổ. Đồng thời qua đây cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tính toán việc trồng cây gì để thích ứng với thiên tai trên địa bàn huyện Nam Đông.
Chia sẻ những khó khăn của người dân những vùng bị thiệt hại do bão
Sau cơn bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cũng đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ những khó khăn của người dân những vùng bị thiệt hại do bão. Ông Thọ cho rằng, do có sự chủ động với phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai nên mức độ thiệt hại của bão số 9 trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn có những thương vong về người, tài sản, các tuyến hạ tầng đường viễn thông, đường điện bị gián đoạn…
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng nhanh chóng sửa chữa nhà của người dân bị tốc mái. Yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, đảm bảo không người dân nào bị đói, rét.
Tiếp tục rà soát thiệt hại, xây dựng phương án hỗ trợ chi tiết trên từng lĩnh vực cụ thể, trong đó ưu tiên hỗ trợ những hộ nghèo, hộ yếu thế bị ảnh hưởng do bão, lĩnh vực nào cấp bách thì cần phải hỗ trợ ngay để người dân sớm ổn định cuộc sống. Huy động toàn lực lượng, hệ thống xã hội, sức dân để khắc phục hậu quả, ra quân tổng vệ sinh môi trường toàn tỉnh, trong tuần này tập trung vệ sinh môi trường cho khu vực Cồn Hến (TP. Huế).
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ thăm gia đình bị tốc mái tại huyện Phú Lộc |
Sau cơn bão số 9, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chủ động làm việc với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối, tiểu thương có dự trữ hàng hóa thiết yếu trên điạ bàn thành phố để sẵn sàng điều động khi có yêu cầu. Qua kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa phòng chống lụt bão tại các đơn vị kinh doanh lớn, như Siêu thị Coop.Mart, Big C, Vinmart và các DN thương mại phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm; các DN sản xuất nước uống đóng chai và kinh doanh xăng dầu có hệ thống kho chứa, cửa hàng bán lẻ, phương tiện vận chuyển phân bố đều khắp trên địa bàn tỉnh, các cơ sở này bảo đảm dự trữ và cung cấp hàng hóa thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao trong mùa mưa lũ đến các địa phương trong tỉnh.
Ngoài ra, với hệ thống cửa hàng lương thực, thực phẩm của các hộ kinh doanh tại các thị trấn, thị tứ, vùng tập trung dân cư trên địa bàn có khả năng tham gia cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong và sau bão lũ.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế (tính đến 11h trưa ngày 29/10) về thiệt hại bước đầu do bão số 9 gây ra thì trên địa bàn tỉnh không có người chết, bị thương 14 người, có 878 nhà bị tốc mái, một số công trình, trường học bị hư hỏng. Gió bão đã làm gãy đổ, ảnh hưởng, hư hại khoảng 50% diện tích cây cao su ở huyện Nam Đông. Do ảnh hưởng của bão số 9, triều cường, sóng lớn làm cho bờ biển Thừa Thiên Huế tiếp tục bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14 km, tập trung ở các đoạn xung yếu. |