Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 324 hợp tác xã (HTX), trong đó, 224 HTX nông, lâm, ngư nghiệp, 23 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 30 HTX vận tải, 7 quỹ tín dụng nhân dân và 40 HTX thuộc lĩnh vực khác.
Các sản phẩm mây tre đan Bao La được giới thiệu, quảng bá tại hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Hiện nay, kinh tế tập thể, HTX tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục được đổi mới, phát triển về cả số lượng và chất lượng. Các HTX đã nỗ lực cố gắng vươn lên và chủ động đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường liên doanh liên kết, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phát triển phù hợp với xu hướng của xã hội. Các tổ chức kinh tế tập thể được nhận định là nhân tố tích cực trong xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, các sở, ngành, địa phương, Liên minh HTX đã hướng dẫn, hỗ trợ các HTX thành lập mới và cơ cấu lại các HTX nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... theo mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn và theo hướng gia tăng giá trị, sản xuất theo cánh đồng mẫu, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, trên cơ sở đó giảm sức lao động cho người nông dân, tăng năng suất cây trồng. Qua đó, đã hình thành một số mô hình HTX kiểu mới, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời lan tỏa các mô hình HTX hoạt động hiệu quả để nhân rộng.
Gian hàng trưng bày sản phẩm tại Tháng hành động vì hợp tác xã Thừa Thiên Huế năm 2024. Ảnh: M.H |
Ông Võ Văn Dinh - Chủ tịch HĐQT HTX Mây tre đan Bao La - chia sẻ, HTX được thành lập từ tâm tư, nguyện vọng của các thành viên, do tổ chức hoạt động gắn với việc phát triển làng nghề truyền thống nên đã thu hút đông đảo thành viên và người lao động tham gia, góp phần giải quyết việc làm, đặc biệt là lao động nữ tại địa phương lúc nông nhàn.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Liên minh hợp tác xã tỉnh, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế các hoạt động về xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh. Các sản phẩm của Hợp tác xã Mây tre đan Bao La được quảng bá, giới thiệu nhiều tại các hội chợ, triển lãm tại khu vực và cả nước. Đồng thời, qua kênh trang thông tin điện tử của đơn vị mà nhiều khách hàng, đối tác đã biết và tìm kiếm cơ hội mua bán.
“Mặc dù khách hàng và đơn đặt hàng ngày càng nhiều nhưng HTX luôn chú trọng khâu chất lượng cũng như đảm bảo kỹ thuật, quy cách sản phẩm, chống mốc, mọt để sản phẩm luôn được bền đẹp và có tính mỹ thuật nhờ đó sản phẩm rất có uy tín trên thị trường. So với mọi năm, năm nay hàng đi xuất khẩu nước ngoài chậm hơn do ảnh hưởng suy giảm kinh tế chung. Tuy nhiên, số lượng bán hàng trong khu vực, trong nước cũng tương đối, doanh thu ổn định, đảm bảo tiền công cho đời sống người thợ”, Chủ tịch HĐQT HTX mây tre đan Bao La Võ Văn Dinh cho biết thêm.
Ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Sau khi Quốc hội ban hành Luật Hợp tác xã năm 2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, địa phương tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện tốt Luật Hợp tác xã mới, hướng dẫn chuyển đổi và thành lập mới nhiều Hợp tác xã trên địa bàn; lĩnh vực kinh tế tập thể được củng cố, phát triển và có sự đổi mới về nội dung hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh: Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong công tác đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX; tập trung tháo gỡ khó khăn cho HTX, nhất là chính sách cán bộ thu hút nguồn nhân lực, chính sách về đất đai, tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại; củng cố các loại hình HTX, nhất là những HTX yếu kém, không đủ điều kiện, ngừng hoạt động thì kiên quyết giải thể. Bên cạnh đó, vận động thành lập mới HTX, trọng tâm là các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, chương trình OCOP hoạt động hiệu quả để nhân rộng.
“Thời gian tới, các hợp tác xã cần tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm chủ lực thông qua hội chợ, triển lãm. Đẩy mạnh việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Liên minh HTX tỉnh và liên kết với các sàn giao dịch thương mại điện tử của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương nhấn mạnh.