Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 được Sở Công Thương chú trọng triển khai từ những tháng đầu năm.
Đại diện Sở Công Thương Thừa Thiên Huế kiểm tra giấy phép kinh doanh, tuyên truyền công tác an toàn thực phẩm.. tại các cơ sở sản xuất ngành Công Thương quản lý (Ảnh: Nguyễn Tuấn) |
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, … Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm các các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài phát thanh và truyền thanh, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm. Huy động hệ thống loa truyền thanh xã/phường/thị trấn tham gia tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm đồng thời cảnh báo đến người tiêu dùng. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.
Đảm bảo môi trường thực phẩm an toàn
Ngoài việc thực hiện, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế thành lập Đoàn kiểm tra, có nhiệm vụ kiểm tra, đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở, sản xuất kinh doanh thuộc ngành công thương quản lý, thời gian thực hiện từ 15/4 đến 15/5/2024.
Kiểm tra cơ sở sản xuất kem Hương Giang, TP. Huế. (Ảnh: Nguyễn Tuấn) |
Nội dung kiểm tra gồm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ); giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn…
Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, sau hơn 1 tuần triển khai, Đoàn đã kiểm tra một số cơ sở, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc ngành công thương quản lý như bánh mì, bánh ngọt, cơ sở sản xuất kem… trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, các cơ sở cơ bản thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, do phần lớn các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, rải rác trong khu dân cư, gắn với hộ gia đình nên nhiều cơ sở vẫn chưa cập nhật hết các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm, không gian sản xuất còn hạn chế…
Do vậy, ngoài công tác kiểm tra, Đoàn đã tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở sản xuất kinh doanh kịp thời bổ sung các hồ sơ còn thiếu, đảm bảo theo quy định. Trong đó, chú trọng giấy phép kinh doanh, khám sức khoẻ định kỳ, tập huấn về an toàn thực phẩm, các thùng chứa sản phẩm, nguồn gốc các nguyên vậy liệu…
Ông Phan Thanh Phong - Chủ cơ sở sản xuất kem Hương Giang (đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế) cho biết, mặc dù đã sản xuất nhiều năm, tuy nhiên sau mỗi lần Sở Công Thương đi kiểm tra đều phải hướng dẫn bổ sung các hồ sơ, giấy tờ nhằm đảm bảo theo quy định như, hoá đơn đầu mua các nguyên vật liệu, nhắc nhở công tác vệ sinh…
“Tôi cứ tưởng làm vậy là tốt rồi, tuy nhiên sau khi kiểm tra có những cái mình vẫn chưa đạt. Đây là những vấn đề rất tốt cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, qua đó một phần sản phẩm, uy tín của mình được nâng lên, mặc khác bắt buộc các cơ sở phải tuân thủ các định về an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và trách nhiệm cho toàn xã hội”, ông Phan Thanh Phong cho biết thêm.