Kiểm soát thị trường
Ngay sau khi có tình trạng người dân đổ xô mua các mặt hàng thiết yếu tích trữ, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cấp, ngành về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Đặc biệt là kiểm soát chặt các mặt hàng ảnh hưởng đến an toàn xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu.
Các kệ hàng ở siêu thị luôn đầy ắp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu |
Chủ động tổ chức lực lượng triển khai các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trong trường hợp thị trường có biến động bất thường.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp Sở Công Thương vận động doanh nghiệp và các đơn vị phối hợp triển khai ngay các biện pháp đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh.
Ngành Công Thương phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường; rà soát, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu. Chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, các ban quản lý chợ xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá.
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục QLTT Thừa Thiên Huế tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng tự ý định giá bán và bán cao hơn giá niêm yết.
Ông Phan Văn Tâm - Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Thừa Thiên Huế) - cho biết, trước nhu cầu sức mua tăng cao của người dân, những ngày qua, lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, chú trọng các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm, khẩu trang và kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đối với các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý đều được xử lý nghiêm khắc và căn cứ theo Nghị định 109 sẽ bị xử phạt từ 20-60 triệu đồng; bán cao hơn giá niêm yết phạt từ 5-20 triệu đồng.
Các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Huế còn tồn kho hơn 300 tấn gạo nên không lo thiếu hàng cung |
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa
Qua khảo sát thị trường sáng ngày 9/3, số lượng người dân đi mua hàng giảm hẳn, không còn tình trạng chen lấn và mua số lượng lớn, song sức mua tại các siêu thị, chợ truyền thống vẫn còn tăng, chủ yếu vẫn là hai mặt hàng gạo và mì tôm.
Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, theo báo cáo tổng hợp từ các doanh nghiệp, hiện các siêu thị và đại lý trên địa bàn còn tồn kho hơn 300 tấn gạo và 20.000 thùng mì tôm và các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục nhập hàng về cung ứng cho người dân nên không có tình trạng khan hiếm nguồn hàng.
Cụ thể, Công ty Thái Đông Anh còn tồn kho 50 tấn mì tôm, ngày 9/3 nhập thêm 20 tấn, Công ty Hoàng Đạt tồn kho 50 tấn; 2 siêu thị Big C và Co.opmart trên địa bàn thành phố Huế tồn kho hàng chục tấn mì tôm, gạo. Đối với mặt hàng gạo, tại kho của Công ty Lương thực còn trên 200 tấn; 20 doanh nghiệp và đại lý cung ứng gạo trên toàn tỉnh với tần suất nhập hàng 2 ngày/lần, mỗi lần hàng chục tấn sẽ đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu người dân.
Đại diện Siêu thị Big C Huế cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong 2 ngày 7 và 8/3, khách hàng đổ xô đi mua sắm các mặt hàng lương thực, thực phẩm dẫn đến lượng hàng hóa trưng bày trên kệ thiếu hàng cục bộ, chứ không có tình trạng khan hàng. Hiện, doanh nghiệp đã đặt hàng tăng 3-5 lần và dự trữ số lượng lớn, đặc biệt là gạo, mì tôm và các sản phẩm rau củ, trái cây phục vụ nhu cầu của người dân.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - doanh nghiệp Hoàng Đạt khẳng định, hiện trong kho của doanh có sẵn 50 tấn mì tôm và hàng đang trên đường nhập về nên không bao giờ thiếu hụt hàng mặc dù sức mua trên thị trường có tăng đột biến so với ngày thường. "Không chỉ cung ứng cho người dân thành phố Huế mà doanh nghiệp còn đưa hàng hóa về các địa phương trong tỉnh nhằm phục vụ tận tay bà con với mức giá bình ổn", bà Thu cho biết thêm.
Sáng ngày 9/3, sức mua của người dân tại các siêu thị giảm so với mấy ngày trước đó |
Theo nhận định của các đơn vị cung ứng hàng hóa, thời gian tới sức mua của người dân về các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng nên đơn vị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung. Cụ thể, Siêu thị Big C tăng 3 lần lượng hàng dự trữ tại kho, Co.opmart Huế tăng 50% và Vinmart tăng từ 30 - 50%. Các nhà cung ứng đều có kế hoạch đảm bảo nguồn cung thực phẩm như gạo, mì, thực phẩm, sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng và không có hiện tượng găm hàng, sốt giá.
Ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế - cho biết, sau tình trạng người dân đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ, Sở đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm quy mô lớn trên địa bàn để nắm tình hình và nguồn cung hiện tại. “Qua đó, mặc dù số lượng khách đi mua tăng đột biến, song với sự chủ động trong việc dự trữ hàng hóa nên trên địa bàn Thừa Thiên Huế không có tình trạng khan hiếm hàng. Hiện, sức mua đang tăng, chủ yếu tập trung ở các siêu thị, chợ truyền thống nhưng lượng hàng cung ứng vẫn đảm bảo nên người dân yên tâm, bình tĩnh và không nên đổ xô đi mua hàng dự trữ. Trong tuần này, các siêu thị tổ chức phân phối khẩu trang vải kháng khuẩn về các địa phương để cung ứng cho người dân với giá gốc nên khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng vì nguồn thực phẩm và khẩu trang phòng chống dịch trên địa bàn Thừa Thiên Huế đủ để cung ứng cho người dân trong tình hình diễn biến dịch Covid - 19 kéo dài”, ông Thanh khẳng định.