Chủ nhật 20/04/2025 14:52

Thừa Thiên Huế có 247 doanh nghiệp thành lập mới trong quý I

Tính đến ngày 29/3/2021, tỉnh Thừa Thiên Huế có 247 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới; trong đó có 147 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 812 tỷ đồng, giảm 5% về lượng và giảm 71,38% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 167 doanh nghiệp, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thường kỳ tháng 3 ngày 9/4. Đây là cuộc họp nhằm đánh giá tình hình kinh tế- xã hội (KT- XH) tháng 3 và quý I/2021, bàn nhiệm vụ phát triển KT- XH cho giai đoạn tiếp theo của tỉnh.

Theo đó, trong tháng 3 và quý I/2021, mặc dù phải tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tình hình KT- XH tháng 3 và quý I/2021 tiếp tục xu hướng phục hồi và có nhiều chuyển biến tích cực.

Bức tranh về KT- XH có nhiều khởi sắc, đáng chú ý là tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý I/2021 tiếp tục hoạt động ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,86% so với cùng kỳ. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước quý I ước đạt 2.344 tỷ đồng, chiếm 38,6% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt 1.824 tỷ đồng (chiếm 38,6% dự toán, tăng 40%), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 95 tỷ đồng (chiếm 20,9% dự toán, tăng 1,8%).

Tính đến ngày 29/3/2021, Thừa Thiên Huế có 247 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới; trong đó có 147 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 812 tỷ đồng, giảm 5% về lượng và giảm 71,38% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 167 doanh nghiệp, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Trong Quý I năm 2021, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 07 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 902,13 tỷ đồng; điều chỉnh tiến độ thực hiện cho 04 dự án và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 04 dự án với số vốn điều chỉnh 395,1 tỷ đồng . Công tác bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án kêu gọi đầu tư được quan tâm, đến nay, đã xây dựng thông tin gần 200 dự án, trong đó, có 16 dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư.

Trong thời gian tới tỉnhThừa Thiên Huế sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Đến nay, các Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã hoàn thành và được Chính phủ có ý kiến trình UBTVQH xem xét, quyết định liên quan Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế và Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Tho cho rằng, những kết quả đạt được là rất đáng mừng, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận những mặt chưa được để tiếp tục có quyết sách hợp lý. Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển KT- XH, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

“Chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phát triển bền vững, tăng thu nhập người dân là mục tiêu xuyên suốt để chúng ta đủ tầm sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các dự án trọng điểm; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và các dự án ODA nói riêng. Tập trung mọi nỗ lực để giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án quan trọng phải tiến hành đồng bộ và đảm bảo đời sống người dân. Các sở, ngành và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất. Tiến hành đầu tư hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh cho giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất, nhất là các nông sản theo mùa vụ. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, có phương án tích nước, vận hành công trình phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất và phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.

Hầu Tỷ
Bài viết cùng chủ đề: Thừa Thiên Huế