Thừa Thiên Huế cần mạnh dạn đề xuất những cơ chế, mô hình mới trong quá trình phát triển
Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế |
Báo cáo Thủ tướng cùng đoàn công tác Chính phủ, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 7,18%, tổng thu ngân sách của tỉnh ước đạt 8.320 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đã triển khai Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế; khởi công các dự án giao thông quan trọng như xây dựng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài; tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn; đê chắn sóng cảng Chân Mây…
Năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các văn bản triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt xây dựng chương trình hành động triển khai các đề án theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, cũng tập trung hỗ trợ, lên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, phấn đấu có ít nhất 15 dự án trọng điểm ngoài ngân sách khởi công trong năm 2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi làm việc tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo xử lý một số vấn đề như sớm ban hành Chương trình hành động Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; về điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế; về xây dựng Bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đặc thù đối với Thừa Thiên - Huế; vướng mắc trong công tác di dời các hộ dân trong Khu vực I Kinh thành Huế bởi vì hiện khu vực này còn khoảng 26ha đất quốc phòng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý sử dụng...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, trong đó có những mặt nổi trội để nâng cao mức sống người dân, có nhiều cải cách, đổi mới phù hợp với xu hướng phát triển. Thừa Thiên Huế có tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước, chênh lệch giàu nghèo thấp, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét. Bên cạnh đó, giữ gìn tốt các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, di sản được quan tâm trùng tu, tôn tạo.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, hệ thống chính trị địa phương được vận hành tốt, hiệu quả. Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh có kế hoạch cụ thể để triển khai và các cơ quan của Chính phủ sẽ hỗ trợ để Thừa Thiên Huế thực hiện hiệu quả Nghị quyết quan trọng này. Đồng thời, tỉnh cũng cần mạnh dạn đề xuất những cơ chế, mô hình mới trong quá trình phát triển cho giai đoạn tới để Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm khoa học công nghệ đào tạo đa ngành chất lượng cao của miền Trung và của cả nước, năm 2045 trở thành thành phố Festival đặc sắc của Châu Á...
Tại buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời giao cho các Bộ ngành liên quan phối hợp với địa phương triển khai thực hiện.
Về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những nỗ lực của Thừa Thiên Huế trong công tác phòng chống dịch, nhất là tại các điểm tham quan du lịch, hoạt động du lịch và hàng không. Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý tỉnh Thừa Thiên Huế cần rà soát lại các ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để khắc phục nhanh chóng những tác động của dịch bệnh Corona gây ra, qua đó hoàn thành toàn diện, vượt mức các nhiệm vụ năm 2020 như đã đề ra.