Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 6,87%, trong đó du lịch - dịch vụ tăng 6,37%. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,49 triệu lượt, tăng 4,6%, lượng khách quốc tế đạt gần 0,55 triệu lượt, tăng 10,4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,45% so cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 7,57%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,96%; sản xuất và phân phối điện, nước đá tăng 15,85%; cấp nước và thu gom rác thải tăng 6,32%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 20.334 tỷ đồng, tăng 10,56% so với cùng kỳ, đạt 43,5% kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm có mức tăng khá nhờ năng lực tăng thêm của các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: bia, dệt may, sợi, điện sản xuất... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp; khai thác một số ngành có lợi thế, tạo giá trị gia tăng, trong đó du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định là trung tâm văn hóa, du lịch có thương hiệu quốc gia và khu vực.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Các chương trình, lễ hội, hoạt động thể thao đã góp phần nâng cao vị thế đô thị Huế. Công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực. Đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp gắn với chủ đề năm 2019 “Năm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”...
Tuy vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ thì mục tiêu cơ bản đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện được do tỉnh có xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao.
"Để tạo đột phá, thúc đẩy phát triển đô thị Huế theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, tỉnh Thừa Thiên Huế cần có cơ chế để trở thành “Đô thị di sản- Thành phố trực thuộc Trung ương” nhằm phục dựng và bảo tồn toàn vẹn các di dản vật thể, phi vật thể và thiên nhiên mang nét đặc trưng của Việt Nam mà Cố đô Huế đang vinh dự bảo tồn và phát huy. Vì vậy, kính đề nghị Quốc hội có cơ chế, chính sách đặc biệt để công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị di sản- Thành phố trực thuộc Trung ương" - ông Phan Ngọc Thọ đề xuất.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Quốc hội chỉ đạo bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019- 2020 và bố trí vốn nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 cho dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế. Đề xuất cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế; áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP thực hiện dự án đầu tư mở rộng sân bay Phú Bài; nghiên cứu và xây dựng ban hành cơ chế đặc thù quy hoạch và phát triển đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thành Công viên đầm phá Quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Quốc hội ưu tiên triển khai xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng duyên hải miền Trung; nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường sắt Bắc - Nam, trong đó chú trọng xây dựng tuyến đường sắt kết nối với các tỉnh Tây Nguyên; tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Cam Lộ - Túy Loan kết nối tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Gia Lai nhằm tạo thuận lợi cho liên kết vùng Miền Trung - Tây Nguyên và thúc đẩy kinh tế-xã hội cho các địa phương trong vùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu |
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất cao với định hướng phát triển của tỉnh là xây dựng “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, định hướng này là hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của tỉnh và chủ trương của Đảng thể hiện qua Kết luận 48 và Thông báo kết luận của Bộ Chính trị.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Thừa Thiên Huế đã khẳng định được vị thế về văn hóa, chính trị, nhân văn đối với quốc gia, khu vực và toàn thế giới; trong đó, thành phố Huế được công nhận “Thành phố Văn hóa Asean”, “Thành phố bền vững môi trường Asean”, năm 2016 được công nhận là “Thành phố Xanh quốc gia” và Đô thị Huế được công nhận là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế sớm tổng kết 10 năm thực hiện kết luận 48 và đăng ký chương trình làm việc với Bộ Chính trị để có định hướng mới xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế; bởi nếu định hướng này được làm trong năm nay thì đây sẽ là định hướng lớn cho tỉnh trong xây dựng Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025.
Nhất trí các nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy 4 lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế. Đặc biệt, tỉnh cần có đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát chương trình xanh và bền vững; phát huy tiềm năng lợi thế, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, thực hiện tốt phương châm xây dựng Đảng là then chốt, coi trọng công tác mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch vững mạnh và tổ chức thực hiện tốt công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp. Về các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và sẽ chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tổng hợp, gửi tới các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo theo thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân động viên, thăm hỏi |
Tặng quà cho một số hộ gia đình tại khu vực thượng thành Huế |
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đi kiểm tra tình hình triển khai dự án di dời dân cư tại khu vực 1 Kinh thành Huế và đến thăm, tặng quà, động viên một số hộ dân đang sinh sống trên thượng thành thuộc diện di dời trong thời gian tới.