Thua lỗ và nợ nần, nhiều doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động
Nợ ngắn hạn của TIS hiện đã vượt quá tài sản ngắn hạn. Ảnh: ST |
Chìm trong thua lỗ và nợ nần
Trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 của Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST), đơn vị kiểm toán đã chỉ ra rằng, tại thời điểm 30/6/2022, nợ ngắn hạn của VST đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.886 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 2.363 tỷ đồng, chỉ tiêu vốn chủ sở hữu âm là 1.717 tỷ đồng. Đồng thời, các khoản nợ vay đã quá hạn thanh toán lên tới 554 tỷ đồng; chi phí phải trả ngắn hạn, chi phí lãi vay phải trả cho các khoản vay quá hạn này là 1.210 tỷ đồng. Công ty chưa có phương án hiệu quả để khắc phục khả năng thanh toán cũng như tìm kiếm được nguồn tiền để thanh toán cho các khoản vay đến hạn trong vòng 12 tháng tới trong điều kiện hoạt động bình thường.
Ngoài ra, VST cũng đang đối mặt với các vụ kiện của ngân hàng về việc phải thanh toán ngay các khoản vay. Theo đơn vị kiểm toán, đây là yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VST.
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 của Công ty CP XNK thủy sản An Giang (AGF) cũng ghi nhận ý kiến của đơn vị kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Theo đó, tại thời điểm 30/6/2022, khoản lỗ lũy kế của công ty là 859 tỷ đồng, nợ ngắn hạn đang vượt quá tài sản ngắn hạn là 375 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 165 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trong kỳ lỗ gần 12 tỷ đồng.
Tương tự, lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 6/2022 của Công ty CP Vinaconex 39 (PVV) cũng lên tới gần 368 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ và làm âm vốn chủ sở hữu khoảng 43 tỷ đồng. Về vay nợ, số dư nợ ngắn hạn của PVV đã vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 275 tỷ đồng, nợ vay ngân hàng quá hạn chưa thanh toán với số tiền khoảng gần 223 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản góp vốn thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư đang chậm tiến độ với số tiền khoảng gần 194 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh hợp nhất của PVV tiếp tục lỗ gần 13 tỷ đồng. Các vấn đề này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh của PVV trong 12 tháng tiếp theo. Theo đơn vị kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản phải thu, các khoản đầu tư đã quá hạn và quyết toán các công trình dở dang để thu hồi công nợ cũng như khả năng tạo lợi nhuận trong tương lai.
Công ty CP Thương mại Hà Tây (HTT) cũng có khoản lỗ lũy kế lên tới 60 tỷ đồng tại ngày 30/6/2022; nợ phải trả ngắn hạn đang vượt quá tài sản ngắn hạn là 54,7 tỷ đồng. Công ty đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ quá hạn thanh toán tại ngày 30/6/2022 của công ty chủ yếu là số dư nợ ngân sách nhà nước là 15 tỷ đồng, nợ gốc vay ngân hàng 30 tỷ đồng, lãi vay ngân hàng ước tính phải trả là 15 tỷ đồng và các khoản nợ phải trả khác. Do đó, kiểm toán nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty. Khả năng tiếp tục hoạt động của HTT phụ thuộc vào kế hoạch thu hồi các khoản công nợ, tái cấu trúc các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình dở dang để thu hồi tiền, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông và các chủ nợ.
Danh sách các DN bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục còn có thêm những cái tên như: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TIS), Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (TCK)… Theo đó, các DN này đều có khoản vay nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Riêng TCK còn có kết quả kinh doanh lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm và lỗ lũy kế lên tới hơn 300 tỷ đồng dẫn tới thâm hụt vốn chủ sở hữu hơn 300 tỷ đồng…
DN giải trình ra sao?
Trước ý kiến của kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục, VST đã có văn bản trình bày giải pháp khắc phục. Cụ thể, công ty sẽ tranh thủ tận dụng cơ hội thị trường hồi phục để ký kết hợp đồng cho thuê tàu và cho thuê thuyền viên theo hướng có lợi, đồng thời tăng cường kiểm soát chi phí để cải thiện kết quả kinh doanh. Công ty cũng sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022, trong đó có việc triển khai nhóm giải pháp góp phần giảm lỗ và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung cũng như đội tàu Vintranschart nói riêng, bao gồm các giải pháp về kinh doanh - thị trường, quản trị tài chính, tái cơ cấu tài chính, tăng doanh thu, giảm chi phí, tăng cường quản lý kỹ thuật đội tàu… Với các giải pháp này, theo ông Trịnh Hữu Lương, Tổng giám đốc VST, công ty sẽ hoạt động liên tục trong thời gian tới.
Đối với vấn đề tại AGF, ban lãnh đạo AGF cho biết công ty đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, bao gồm cả việc thanh lý một số khoản đầu tư. Cụ thể, công ty đang thu hẹp quy mô nuôi trồng để phù hợp với thực tế thị trường tiêu thụ, cho thuê các vùng nuôi đang không sử dụng nhằm giảm chi phí, tăng doanh thu và đảm bảo dòng tiền. Cùng với đó, cung cấp dịch vụ gia công cá tra fillet xuất khẩu tại các nhà máy chế biến nhằm ổn định doanh thu, ổn định dòng tiền và hoàn thành nghĩa vụ hoàn trả nợ, lãi vay với các tổ chức tín dụng và đời sống ổn định cho người lao động. Công ty cũng thỏa thuận với các ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn lưu động cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Trong khi đó, ban lãnh đạo PVV cho biết, đối với các khoản phải thu của công ty trình ký với Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Nam Cường và các chủ đầu tư khác, công ty đang tích cực làm việc với chủ đầu tư, tổng thầu và các thầu phụ để quyết toán công trình. Do chủ đầu tư và tổng thầu có nhiều biến động về nhân sự thực hiện dự án nên chưa phê duyệt được tổng dự toán điều chỉnh để phục vụ công tác quyết toán. Sau khi quyết toán công trình, chủ đầu tư sẽ chốt lại giá trị công nợ đối với Vinaconex 39. Ban lãnh đạo PVV khẳng định đang theo dõi và tích cực thu hồi các khoản công nợ trên và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quyết toán và thu hồi công nợ các công trình dự án theo đúng kế hoạch đề ra.
Còn theo giải trình của HTT, nợ phải trả ngắn hạn của công ty chủ yếu là vay nợ của các ngân hàng, tiền gốc lãi cộng với tiền thuế phải trả cho Nhà nước. Đối với khoản tiền thuế, trong 6 tháng đầu năm 2021, số tiền thuế của công ty đã nộp cho Nhà nước gần 494 triệu đồng, do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hoàn toàn bình thường. Đối với các khoản vay, công ty cho biết tất cả khoản vay tại các tổ chức tín dụng đều có tài sản đảm bảo là bất động sản. Công ty đang làm việc với các ngân hàng để xử lý dứt điểm các khoản nợ trên trong năm 2022.