Thứ ba 05/11/2024 15:20

Thủ tướng yêu cầu báo cáo chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Bộ Giao thông Vận tải nói gì?

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định các nhà thầu được lựa chọn tại dự án cao tốc Bắc-Nam đều là doanh nghiệp có tiềm lực, đáp ứng các yêu cầu năng lực của hồ sơ.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và tổ chức khởi công xây dựng dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ GTVT khẳng định việc chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, về việc phân chia gói thầu, Bộ GTVT cho biết thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không chia nhỏ gói thầu và phải lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín; phải bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư đưa ra một số nguyên tắc phân chia gói thầu làm cơ sở triển khai thực hiện.

Theo đó, việc phân chia gói thầu xây lắp cần xem xét sự phù hợp về phạm vi, quy mô, tính chất kỹ thuật của công trình; điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn; địa giới hành chính; tính liên tục của các công trình chính (đường, cầu, hầm); phương án điều phối vật liệu đào, đắp; phương án tổ chức thi công; vị trí, số lượng, trữ lượng các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; đường công vụ nội, ngoại tuyến… để phân chia gói thầu đảm bảo yếu tố kinh tế - kỹ thuật.

Căn cứ quy định về điều kiện năng lực của nhà thầu, kết quả khảo sát năng lực, kinh nghiệm nhà thầu của các chủ đầu tư để nghiên cứu xác định quy mô gói thầu hợp lý, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia dự án, tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo kết quả khảo sát, trong 5 năm gần đây chỉ có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị khoảng 3.600 tỷ đồng. Trường hợp mở rộng 10 năm gần đây chỉ có thêm 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị khoảng 5.700 tỷ đồng.

Các nhà thầu khác đã thực hiện hợp đồng có giá trị nhỏ hơn (5 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị từ 1.600 - 2.300 tỷ đồng; 7 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng; các nhà thầu còn lại thực hiện hợp đồng có giá trị nhỏ hơn 1.000 tỷ đồng).

Theo nguyên tắc nêu trên, các chủ đầu tư đã trình Bộ GTVT kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong đó, đề xuất phân chia 12 dự án thành phần thành 25 gói thầu xây lắp có giá trị từ 3.000 - 8.000 tỷ đồng.

Trong đó, 2 dự án thành phần (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Cần Thơ - Hậu Giang) chia thành 1 gói thầu (không có cầu lớn, hầm, chiều dài dưới 40km); 7 dự án theo tính chất công trình cầu, hầm, chiều dài tuyến chia thành 2 gói thầu.

Riêng 3 dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh và Hậu Giang - Cà Mau chia thành 3 gói thầu do đây là các dự án có chiều dài tuyến (60 - 90km), chi phí xây dựng từ 13.000 - 15.000 tỷ đồng, có tính chất kỹ thuật phức tạp (gồm 4 công trình hầm, 2 công trình cầu lớn, phạm vi xử lý nền đất yếu lớn).

Công tác tư vấn giám sát được chia thành 25 gói thầu tương ứng với các gói thầu xây lắp để thuận lợi trong việc giám sát thi công xây dựng và phù hợp năng lực của các tổ chức tư vấn giám sát trong nước.

Căn cứ Nghị quyết số 43 của Quốc hội và các nghị quyết, quy định pháp luật liên quan, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 12 dự án thành phần (25 gói thầu xây lắp và 25 gói thầu tư vấn giám sát) để các chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu theo thẩm quyền.

“Nhằm nâng cao tính đồng bộ, tập trung một đầu mối nhằm quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng thực hiện gói thầu, trong hồ sơ yêu cầu và hợp đồng gói thầu xây lắp đã quy định thành viên đứng đầu liên danh chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, điều hành chung, trực tiếp giao dịch, làm việc với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng, sẵn sàng thay thế các nhà thầu yếu kém trong liên danh khi chất lượng, tiến độ thi công không đảm bảo yêu cầu”, Bộ GTVT thông tin.

Liên quan đến việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, Bộ GTVT cho biết tại các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ yêu cầu trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014 của Chính phủ đã quy định cụ thể về quy trình chỉ định thầu.

Đồng thời, Bộ KH&ĐT đã có văn bản số 5520 ngày 8/8/2022 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quy trình chỉ định thầu theo Điều 55 Nghị định số 63/2014 để các các bộ, ngành, địa phương thực hiện bảo đảm tính thống nhất.

Các bước lựa chọn nhà thầu bao gồm: chuẩn bị lựa chọn nhà thầu (lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu và xác định nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu); tổ chức lựa chọn nhà thầu (phát hành hồ sơ yêu cầu, nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất); đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu; trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Ngoài ra, để bảo đảm công khai, minh bạch, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư đăng tải công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông (Báo Đấu thầu; Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT) về tiêu chí lựa chọn nhà thầu xây lắp (yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm) và thông tin cơ bản về gói thầu (phạm vi, quy mô, giá trị dự kiến, các công trình chính, yêu cầu tiến độ thực hiện…) để các nhà thầu tiếp cận thông tin, tự đánh giá khả năng thực hiện để tìm đối tác và thành lập tổ hợp liên danh đăng ký tham gia thực hiện gói thầu.

Thực tế, với quy mô gói thầu lớn, kỹ thuật phức tạp, các nhà thầu đăng ký tham gia thực hiện các gói thầu đều là tổ hợp liên danh, chỉ có 1 nhà thầu tham gia với tư cách nhà thầu độc lập (25 gói thầu có 14 doanh nghiệp đứng đầu liên danh đăng ký tham gia theo các tổ hợp nhà thầu, được chủ đầu tư đánh giá đáp ứng điều kiện năng lực thực hiện 12 dự án thành phần).

Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư căn cứ quy định pháp luật, trên cơ sở quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu, xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu để thực hiện chỉ định thầu bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật.

Các tiêu chí chính để đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu đã được các chủ đầu tư phê duyệt bám sát quy định Thông tư số 08/2022 của Bộ KH&ĐT, Nghị định 15/2021 của Chính phủ, gồm: yêu cầu về năng lực hành nghề thi công xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; yêu cầu về năng lực tài chính (doanh thu, nguồn lực tài chính); yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự...

“Đến nay, các chủ đầu tư đã hoàn thành công tác chỉ định thầu 14/25 gói thầu xây lắp, 14/25 gói thầu tư vấn giám sát theo đúng trình tự, thủ tục nêu trên bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch. Các nhà thầu được lựa chọn, được chủ đầu tư đánh giá đều là các doanh nghiệp có tiềm lực, có uy tín và đáp ứng các yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của hồ sơ yêu cầu", Bộ GTVT nhấn mạnh.

Đối với 11/25 gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát còn lại, Bộ GTVT cho biết các chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục để chỉ định thầu, đáp ứng tiến độ triển khai đồng loạt trước Tết Nguyên đán Quỹ Mão.

Trước đó như VietnamFinance đã thông tin, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bộ GTVT về việc báo cáo kết quả chỉ định thầu 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo văn bản này, căn cứ báo cáo của Bộ GTVT về việc tổ chức khởi công 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng đặt câu hỏi: Bộ GTVT báo cáo kết quả việc chỉ định thầu như thế nào? Đã đúng quy định chưa? Chặt chẽ và có tránh được tiêu cực không?

Thủ tướng cũng đặt vấn đề việc chia nhỏ gói thầu như vậy thì ai là tổng thầu? Ai làm tư vấn giám sát? Rất nhiều vấn đề mà Bộ GTVT phải thực hiện nghiêm túc đúng quy định, đúng thủ tục và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.

vietnamfinance.vn

Tin cùng chuyên mục

Cà Mau: Cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn Công ty Đầu tư xây dựng BOT & BT miền Nam

Cục Thuế Bạc Liêu cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn Công ty Đầu tư xây dựng Thiên Long

Công an Hà Nội tìm thanh niên nhận tiền làm hồ sơ xuất khẩu lao động rồi 'mất hút'

Hoàn tất cáo trạng truy tố cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến

Cục Thuế Hà Nam công khai danh sách 140 người nộp thuế nợ tiền thuế khu vực Duy Tiên – Lý Nhân

Hòa Bình: Công ty Đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn

Thanh tra TP. Hồ Chí Minh phát hiện nhiều thiếu sót tại Công ty Công ích quận 12

Cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng 'bút phê' trái thẩm quyền được giao tại dự án Đại Ninh

Bình Thuận: Công ty Thép Trung Nguyên và loạt doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế

Long An: Xử phạt Công ty Samduk Việt Nam, truy thu hơn 5,5 tỷ đồng tiền thuế

Thái Bình: Công ty TNHH Thương mại vận tải biển An Phát bị cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn

Tuyên Quang: Cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn đối với Công ty TNHH Xây dựng và Vận tải Duy Long

Hà Nội: Khởi tố vụ án trốn thuế trong hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng chậm tiến độ gây lãng phí: Khởi tố 8 bị can

Dòng chữ 'Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 10 năm' trên biển báo cao tốc bất ngờ bị xóa

Nghệ An: Bắt Giám đốc Công ty TNHH TMDV Bông Sen Vàng lừa đảo góp vốn đầu tư

Kiên Giang: Bắt 3 đối tượng bán 3ha đất rừng phòng hộ tại TP. Phú Quốc

Thanh Hóa: Phát hiện, thu giữ hơn 1.000 bình 'khí cười'

Vĩnh Phúc: Công ty TNHH Trung Hương bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn

Lào Cai: Tạm hoãn xuất cảnh 10 giám đốc công ty nợ thuế