Ngày 20/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về 3 dự án luật liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về 3 dự án luật nêu trên, trong đó có nhiều vấn đề xã hội, dư luận quan tâm như đối tượng chịu thuế hay cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về 3 dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Tài chính trong xây dựng các dự án luật. Về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu việc đề xuất sửa đổi tập trung vào những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Dự án Luật cần kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; quản lý được nhưng phải thông thoáng và rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Cùng với đó, thiết kế cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực tại doanh nghiệp; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng; có quy định đặc thù với các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; giao quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho người đại diện phần vốn nhà nước.
Về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là luật thuế tác động tới nhiều ngành hàng, doanh nghiệp, người dân. Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng với một số mặt hàng nhưng cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cần có chính sách để hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường, nguồn tài nguyên, các hàng hóa xa xỉ, phục vụ nhu cầu cao cấp... Tuy nhiên, phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, nhà nước không thất thu thuế; hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu hạn chế được mặt tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng này, bảo vệ sức khỏe người dân…
Đồng thời, có chính sách thuế ưu đãi với các mặt hàng cần khuyến khích, như trong kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…
"Điều hành tránh giật cục, có lộ trình áp dụng phù hợp để các chủ thể liên quan có sự chuẩn bị; cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, giảm phiền hà cho người nộp thuế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế; việc điều chỉnh thuế phải đi đôi với đẩy mạnh chống buôn lậu, trốn thuế; cơ quan soạn thảo giải trình thuyết phục về các chính sách được đề xuất", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp đầy đủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng chỉ rõ các quan điểm: Mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chống thất thu thuế, nhất là trong các lĩnh vực như: thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ…; đẩy mạnh hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý, thu thuế. Đồng thời, nghiên cứu một số nội dung để phân cấp cho Chính phủ quy định, nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn; tháo gỡ những vướng mắc về hoàn thuế, thu thuế…; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để nộp thuế dễ dàng, giảm đi lại, mất thời gian.
Cùng với việc bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, cần ưu đãi thuế cho một số đối tượng phù hợp như: doanh nghiệp làm nhà ở xã hội; khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; những nội dung đã ổn định như về chính sách ưu đãi đầu tư, thì tiếp tục làm tốt hơn, không gây xáo trộn không cần thiết.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh của các dự án luật nói trên, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý; rà soát các quy định khác để bảo đảm rõ ràng, không dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn. Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến liên quan để hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm tiến độ, chất lượng.