Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tỉnh ủy Bắc Ninh Thủ tướng: Phải có giải pháp cả cấp bách và lâu dài trước tình hình sạt lở nghiêm trọng tại ĐBSCL |
Trong chương trình thăm, làm việc tại tỉnh Đồng Tháp, sáng 13/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ thăm một số cơ sở phát triển nông nghiệp, nông thôn và kiểm tra, khảo sát các dự án giao thông tại tỉnh Đồng Tháp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân thi công Dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh- Hồng Ngự. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Trước khi thăm, khảo sát các cơ sở, dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến viếng, dâng hương tại Khu Di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở phường 4, thành phố Cao Lãnh.
Thủ tướng thành kính thắp nén tâm hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ đến công lao, đạo đức và nhân cách cao cả của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một tấm gương hiếu học, một nhà nho giàu lòng yêu nước thương dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương viếng Mộ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Ghi sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới cụ Nguyễn Sinh Sắc - người sinh thành, nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Danh nhân Văn hóa Thế giới, Anh hùng Giải phóng Dân tộc vĩ đại, Nhà Lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; nguyện phấn đấu hết mình vì đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thăm Nhà máy xay sát gạo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lúa gạo Việt Nam (VINARICE) ở Cụm Công nghiệp Trường Xuân, huyện Tháp Mười, có công suất sấy và chế biến 50.000 tấn hạt giống và 100.000 tấn gạo/năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2045 nông dân văn minh, có thu nhập cao; nông nghiệp sinh thái; nông thôn hiện đại. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lúa gạo Việt Nam là một trong những đơn vị đang thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương Công ty đã đầu tư cơ sở sản xuất gạo chất lượng cao với dây chuyền thiết bị hiện đại; gạo của nhà máy được phân phối đến tay người tiêu dùng nhiều quốc gia; góp phần xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo; nâng cao giá trị lúa gạo và góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu Công ty tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản; liên kết chặt chẽ hơn giữa người dân-doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng khoa học, công nghệ tiến tiến vào sản xuất sạch, năng suất, chất lượng cao; vừa phục vụ xuất khẩu, vừa đảm bảo an ninh lương thực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhà máy Chế biến Gạo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lúa, Gạo Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Cùng với đó, cần thực hiện ổn định thị trường, ổn định giá cả; xây dựng thương hiệu nông sản Việt nói chung và của Công ty nói riêng; thực hiện tốt quy hoạch vùng nguyên liệu; xây dựng chuỗi liên kết “5 nhà” bao gồm: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà kinh doanh (bao gồm ngân hàng) và người tiêu dùng, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.”
Thăm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Thủ tướng biểu dương Hợp tác xã đã đi đầu trong sản xuất liên kết sản xuất giống và lúa hàng hóa.
Đặc biệt, Hợp tác xã đang thực hiện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn lúa gạo bền vững (SRP), tuân thủ 41 tiêu chuẩn quy định, như không sử dụng trẻ em trong sản xuất, tưới nước ngậm khô xen kẻ bằng hệ thống cảm biến mặt nước, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân.
Thủ tướng đề nghị Hợp tác xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm kết nối, khai thác hiệu quả kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ năng sản xuất; khoa học quản lý; theo dõi, giám sát sản xuất; kết nối nhanh chóng, kịp thời giữa sản xuất với thị trường.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện sản xuất xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; thúc đẩy cơ giới hóa, nâng cao năng xuất lao động; giảm chi phí đầu vào để nâng cao hiệu quả sản xuất; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng kiểm tra dự án xây dựng công trình Đường bộ Cao tốc Cao Lãnh- An Hữu, giai đoạn 1 có tổng chiều dài 27,43km (qua tỉnh Đồng Tháp khoảng 18,2km và qua tỉnh Tiền Giang khoảng 9,23km); tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng.
Tại công trường, sau khi nghe báo cáo về dự án, Thủ tướng chỉ đạo chủ đầu, nhà thầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ mỹ thuật công trình; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, cố gắng hoàn thành dự án trước tháng 12.2025; tránh đội vốn bất hợp lý; chống tiêu cực, tham nhũng.
Cùng với đó xây dựng nút giao đẹp, xanh, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới. Đặc biệt lưu ý ưu tiên sử dụng lao động địa phương phục vụ dự án, vừa giảm chi phí, tạo công ăn việc làm cho người dân...
Trước đó, Thủ tướng đã kiểm tra Dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn thành phố Cao Lãnh (Tuyến tránh thành phố Cao Lãnh). Tuyến đường dài 16,5km, tổng mức đầu tư hơn 912 tỷ đồng. Hiện nay dự án đã triển khai thi công 3/3 gói thầu, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Thủ tướng nhấn mạnh dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn chỉnh Quy hoạch Giao thông đã được Thủ tướng phê duyệt; là trục ngang quan trọng để kết nối với các trục chính như Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh, Cao tốc Cao Lãnh-Vàm Cống và Lộ Tẻ Rạch Sỏi
Đặc biệt, dự án có số hộ dân bị ảnh hưởng, phải giải tỏa khá lớn (586 hộ), do đó Đồng Tháp cần lưu ý tổ chức cho người dân phải di dời có cuộc sống mới ít nhất là bằng, phấn đấu tốt hơn nơi ở cũ./.