Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực
Sáng 8/11, báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, qua báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, thảo luận tại tổ, hội trường và các phiên chất vấn của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội với kinh nghiệm của mình đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, chia sẻ, đóng góp sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết, sát thực tiễn với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn |
Hầu hết các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với việc khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, nhiều đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao đã đồng hành với Chính phủ, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đóng góp, gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những định hướng, giải pháp quan trọng, khả thi, sát thực tiễn trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và dự báo cả năm 2023. Trong tháng 10, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Các khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt; xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 43,08 tỷ USD; trong đó vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa xuất khẩu 7,12 triệu tấn gạo, trị giá 3,97 tỷ USD.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 10 đạt 61,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước; tính chung 10 tháng đạt khoảng 558 tỷ USD, xuất siêu 24,61 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước10 tháng đạt 86,3% dự toán.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ (51,34%), số tuyệt đối cao hơn 104 nghìn tỷ đồng.
"Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập; sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn; thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao; thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung…, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo.
Trong đó, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng; thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khoá, tiền tệ; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ, Tết; bảo đảm ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu.
Đồng thời theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng
Về rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc, cả về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã tập trung triển khai nhiệm vụ này và cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền, ban hành kịp thời các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là về tài khoá (trong đó thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng số tiền khoảng 200 nghìn tỷ đồng), tiền tệ (thực hiện các chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ).
Bên cạnh đó, đưa ra các gói chính sách hỗ trợ tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản; xử lý vướng mắc của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu, một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung. Thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà.
Quy trình, thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới...
Thủ tướng phân tích nguyên nhân chủ yếu do tình hình biến động nhanh, dẫn đến một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách chưa kịp sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong khi quy trình ban hành, sửa đổi, bổ sung còn qua nhiều khâu, nhiều cấp; kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm, trong đó người đứng đầu có lúc, có nơi chưa thực sự phát huy hết tinh thần trách nhiệm; còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, chưa thực sự vì lợi ích chung…
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, đất đai, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng…; rà soát, đơn giản hóa điều kiện, quy định kinh doanh, quy trình thủ tục về thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, xây dựng; các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06.
Mặt khác, yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính; động viên, khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh theo quy định của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương;
Tiếp tục hoàn thiện quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả...
Kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia
Về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, Thủ tướng cho hay, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa về việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của bhân dân. "Về cơ bản, an ninh năng lượng được đảm bảo; tuy nhiên trong năm nay đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu" - Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, mặc dù tổng công suất nguồn đạt trên 70 nghìn MW; nhu cầu thực tế chỉ cần khoảng 52 nghìn MW; nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ khu vực miền Bắc.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, bao gồm: Khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; rà soát, hoàn thiện thể chế cho phát triển công nghiệp điện tái tạo theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.
Nâng cao hiệu quả các khâu truyền tải, điều độ và phân phối, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc; sớm hoàn thiện thị trường mua bán điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái tự sản, tự tiêu;
Triệt để tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, công bằng gắn với cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.