Cập nhật bão số 4: Hình ảnh Đà Nẵng gồng mình sơ tán người dân đến nơi trú an toàn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp khắc phục bão số 4 |
Sáng 28/9, tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão số 4 về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành – Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 cho biết, nhờ sự đồng lòng của các địa phương vì vậy bão số 4 chỉ gây thiệt hại về tài sản, không có thiệt hại về người.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự quyết liệt trong thực hiện di dời, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm là yếu tố quyết định để giảm thiểu đến thấp nhất thiệt hại về người trong ứng phó thiên tai |
Ban chỉ đạo tiền phương đã trao đổi, đánh giá tình hình, rút ra những kinh nghiệm bước đầu.
Trước hết là sự chỉ đạo từ sớm, từ xa của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống bão số 4. Bên cạnh đó là sự vào cuộc ứng phó với bão của cả hệ thống chính trị từ trung ương, các bộ ngành, các địa phương với tinh thần trách nhiệm rất cao. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch ứng phó tỉ mỉ ở từ cấp tỉnh thành đến quận huyện, phường xã. Đặc biệt là lực lượng quân đội, công an rất chủ động huy động nhân lực chuẩn bị cho phòng chống bão.
Một yếu tố quan trọng khác đó là sự tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo , chỉ đạo của chính quyền, chấp hành tốt các công điện, hướng dẫn. “Như thành phố Đà Nẵng 17h chiều ngày 27/9 đã không còn người ra đường; việc sơ tán người dân hiệu quả. Bão số 4 mạnh cấp 10 không phải bão nhỏ nhưng thiệt hại về người không có đây là kết quả thành công nhất”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Qua bão số 4 cũng đã làm bật lên sự đùm bọc trong nhân dân. Có những khu vực bà con đùm bọc lẫn nhau. Nhà cấp 4 sang nhà kiên cố để ở, có những khách sạn dành riêng hỗ trợ cho bà con chống bão.
Đối với các kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương rà soát thiệt hại từ dân cũng như công trình, sớm tổng hợp báo cáo thường trực ban chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời yêu cầu các địa phương ngay sau cuộc họp phải khẩn trương cho khôi phục lại việc cấp điện. Các trường học, bệnh viên, nhà dân bị tốc mái không chờ kinh phí của Trung ương, chính phủ mà chủ động hỗ trợ ngay cho người dân. Các địa phương rà soát các điểm có nguy cơ, nguy hiểm như đập tràn, các khu vực mưa nhiều có nguy cơ sạt lở để có lực lượng ứng trực, người dân ở khu vực này đi sơ tán thì chưa cho về ngay.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá kinh nghiệm bước đầu sau bão số 4 |
Nói về bài học sau bão số 4, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng – ông Lê Trung Chinh cho biết việc ứng phó với bão số 4 hiệu quả, giảm thấp nhất thiệt hại là do sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cũng như việc phối hợp chặt chẽ, thống nhất và tập trung cao độ từ Trung ương đến địa phương trong khu vực ảnh hưởng của bão đã hạn chế được thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Cùng với đó, công tác tổ chức tuyên truyền đóng vai trò cực kì quan trọng trong công tác phòng chống bão.
Đặc biệt, phương án sơ tán nhân dân thật chi tiết cụ thể và quan trọng nhất là thời điểm quyết định và hoàn thành công tác di dời (thực tế Đà Nẵng đã triển khai phương án sơ tán dân đúng thời gian, không để xảy ra người chết, mất tích, bị thương,...).
Ngoài ra, việc chuẩn bị đối phó với bão, lũ theo phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu những khu vực có khả năng bị chia cắt được được các địa phương đặc biệt quan tâm nên góp phần đảm bảo hỗ trợ kịp thời khi thiên tai xảy ra.
Thành phố Đà Nẵng đã làm tốt công tác sơ tán người dân trong bão số 4 |
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực và phòng chống bão số 4 có hiệu quả của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 cũng như các địa phương, ban ngành. Đồng thời, qua thực tế công tác phòng chống thiên tai nói chung và qua ứng phó với bão số 4, Thủ tướng chỉ ra 6 bài học kinh nghiệm đó là: Quyết liệt, nhất quán trong tổ chức, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm – đây là yếu tố quyết định giảm thiệt hại về người. Nắm chắc diễn biến tình hình, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để chống bão. Xây dựng kịch bản ứng phó để khi xảy ra sẵn sàng vận hành theo đúng kịch bản. Công tác lãnh đạo chỉ đạo cần quyết liệt, tích cực từ sớm, từ xa, đặc biệt là tại cơ sở. Thông tin hướng dẫn phải kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ để người dân, cấp ủy chính quyền, doanh nghiệp nắm được. Cuối cùng, Miền Trung là nơi luôn diễn ra mưa lũ, bão gió, vì vậy phải luôn đề cao cảnh giác không lơ là chủ quan cũng như không lo sợ, mà phải bình tĩnh, tự tin, tự lực tự cường để chủ động ứng phó với các sự cố thiên tai.