Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm |
Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cùng hơn 4.000 người dân, du khách tại tỉnh Quảng Nam.
Ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, 20 năm qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn cũng như bảo tồn đa dạng sinh học khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Đây là niềm tự hào của Việt Nam, và của riêng tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam đã huy động nhiều nguồn vốn để kịp thời trùng tu, tôn tạo và quảng bá các di sản này, trong đó, có tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Còn ông Michael Croif – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam thì đánh giá cao vai trò của cộng đồng cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại dấu mốc lịch sử ngày 23/11/1945, chưa đầy 3 tháng sau khi nước nhà độc lập, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 65 về “Bảo tồn cổ tích”, trong đó coi việc bảo tồn các di sản trên toàn lãnh thổ là nhiệm vụ chiến lược đối với công cuộc kiến thiết quốc gia.
“Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu tầm nhìn, quan điểm, hành động và ứng xử của Bác trước từng vấn đề cụ thể, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Việt Nam”, Thủ tướng nói và khẳng định, mỗi một di sản hiện diện trên đất nước Việt Nam là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại, một trong những điển hình là đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn ở tỉnh Quảng Nam.
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm |
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Quảng Nam là địa phương đặc biệt, nơi sinh ra các bậc anh kiệt, là nơi nội tụ, giao thoa nhiều giá trị văn hóa, kinh tế, lịch sử, tâm linh….., là địa phương đạt được nhiều kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, Quảng Nam sở hữu đến 2 di sản văn hóa thế giới gồm Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Di sản văn hóa, các di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận, không chỉ đem lại sinh kế, thu nhập cho ngành du lịch, mà quan trọng và thiêng liêng hơn tất cả, đó còn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc chúng ta về lịch sử hình thành, phát triển của đất nước.
“Tất cả những người làm công tác di sản, các cơ quan chức năng và nhân dân cần ý thức sâu sắc ý nghĩa, sứ mệnh, các giá trị chiến lược của di sản trong việc vun đắp bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh mềm của Việt Nam trên toàn cầu cũng như chính nghĩa của chúng ta trước công luận quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và cho biết, trong những năm qua, việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản thế giới, làm cơ sở để thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ tốt nhất giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
20 năm qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã không ngừng quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới. Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn đã trở thành những điểm sáng trong công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di sản thế giới, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm Hội An được đánh giá là một trong những điển hình bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái. Qua 20 năm, nhiều bài học cũng được rút ra, đó là sự nhận thức vai trò đặc biệt của di sản trong đời sống hiện tại; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương; sự phát huy nội lực kết hợp với việc huy động sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có vai trò nổi bật của UNESCO…
Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới |
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy một cách bền vững di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, cần hướng tới những mô hình tăng trưởng bao trùm trong việc phát triển du lịch gắn với giá trị di sản; luôn gắn việc giải quyết hài hòa giữa bảo vệ, phát huy giá trị di sản với việc nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân sinh sống trong vùng di sản.
Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu, sớm ban hành và thực thi hiệu quả kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ di sản thế giới theo quy định của UNESCO và Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017, quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Xây dựng, triển khai các dự án, chương trình đầu tư, nghiên cứu về bảo tồn, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước về nguồn lực, đặc biệt là về vốn, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số đối với việc quản lý, tu bổ, tôn tạo di sản. “Tôi xin nhấn mạnh tất cả những nơi có sự hiện diện di sản phải là những địa chỉ đi đầu, gương mẫu trong công tác bảo vệ môi trường, bao gồm việc nâng cao triệt để ý thức sử dụng rác thải nhựa, túi ny long, đồ dùng nhựa một lần…” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ngoài ra, tất cả những địa danh di sản Việt Nam, trong đó có Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn cần đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển các sản phẩm du lịch, mô hình dịch vụ một cách đa dạng, bền vững, phù hợp với bản sắc văn hóa, đảm bảo hài hòa về kinh tế-xã hội và môi trường. Trong đó phải xác định “bảo tồn, phát huy tốt các di sản của Việt Nam là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nhân tố góp phần thúc đẩy có chiều sâu các quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện văn hóa, chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà kỷ niệm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam |
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo Dục và Đào tạo và các Bộ, ngành có liên quan cần tăng cường hơn nữa trong việc hỗ trợ tỉnh Quảng Nam cũng như các địa phương khác trong việc thực thi có hiệu quả những nhiệm vụ nêu trên.