Chiều 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương |
Theo báo cáo của các bộ, ngành, đã có 3 dự án (DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước) ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo xử lý. Một số dự án đã duy trì vận hành sản xuất, có sản phẩm nhưng còn nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn; một số dự án còn dở dang hoặc dừng hoạt động.
Đặc biệt, có 5 dự án tranh chấp hợp đồng EPC đã đàm phán nhiều lần nhưng không thành công. Theo ý kiến của Bộ Công Thương, do việc chưa quyết toán được hợp đồng EPC nên không đủ cơ sở pháp lý để thoái vốn.
Đánh giá cao nỗ lực của ban chỉ đạo để xử lý công việc cụ thể cũng như trách nhiệm cộng tác của các ngân hàng vì các dự án có vốn vay lớn, Thủ tướng cho rằng bước đầu có kết quả tốt, với 3 dự án đã đi vào hoạt động, các dự án còn lại Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xử lý.
Trong đó, Bộ Công Thương trình phương án xử lý đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước ngày 10/3 để Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên cơ sở chặt chẽ, đúng pháp luật.
Những dự án còn lại là những dự án phức tạp, tổng mức đầu tư cao so với ban đầu, thua lỗ kéo dài, liên quan tổng thầu EPC, trong khi Bộ Chính trị, Chính phủ cho ý kiến là không được sử dụng ngân sách để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu ban chỉ đạo, trực tiếp là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần tập trung chỉ đạo, đề xuất cụ thể hơn. Trong đó xếp loại và chỉ đạo hướng xử lý cụ thể đối với các dự án còn lại, bao gồm 3 dự án của Tập đoàn Hóa chất. Một số dự án thiếu cơ sở pháp lý thì các bộ, ngành thảo luận, đề xuất có biện pháp xử lý cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại cuộc họp |
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý các tập đoàn, tổng công ty tính toán cơ cấu lại các dự án theo đúng thẩm quyền, quy định. Tinh thần là hạn chế thấp nhất tiêu cực đối với ngân sách nhà nước và nền kinh tế, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, cho an ninh, quốc phòng, cho môi trường và ổn định xã hội.
Những dự án nào không còn khả năng khắc phục thì kiên quyết thanh lý, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản nhà nước. Thủ tướng đề nghị ban chỉ đạo đưa ra danh mục dự án không thể khắc phục để xử lý cương quyết.